Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động (NLĐ) không rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Song song đó, nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các trường hợp khó khăn đã phát huy hiệu quả, ngày càng được tin tưởng.
Lực lượng công an các địa phương tăng cường tuyên truyền để NLĐ nâng cao tinh thần cảnh giác trước các loại tội phạm
Với vai trò của mình, các cấp công đoàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm, nhất là “tín dụng đen” trong công nhân lao động (CNLĐ). Gắn công tác tuyên truyền với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa nội dung phòng chống và tố giác tội phạm vào chương trình công tác năm của các cấp công đoàn, nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức công đoàn nhằm nâng cao nhận thức cho CNLĐ trong công tác đấu tranh với tiêu cực, các tệ nạn xã hội và sự lôi kéo của những phần tử xấu, “tín dụng đen”.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên ngay tại công đoàn cơ sở (CĐCS), tổ công đoàn với lực lượng gần 18.000 người. Hầu hết CĐCS có đông CNLĐ đã tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại cơ sở. Có ít nhất 1 cán bộ công đoàn có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục NLĐ.
Song song đó, LĐLĐ tỉnh tập trung huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐCS để hình thành đội ngũ có chất lượng trực tiếp hàng ngày làm việc với công nhân. Các cán bộ này nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đời sống của công nhân, là nơi tiếp cận hiệu quả nhất kể cả tuyên truyền pháp luật đến giáo dục tư tưởng, chính trị cho CNLĐ. Trong năm 2023, CĐCS đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho trên 800.000 lượt người về chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có việc chấp hành pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là “tín dụng đen”.
Để kịp thời hỗ trợ NLĐ, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và rủi ro khác với mức từ 4-10 triệu đồng/trường hợp. Trong năm 2023, quỹ đã hỗ trợ cho 248 trường hợp với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Đến nay, quỹ đã chi thăm hỏi gần 1.000 trường hợp với tổng số tiền trên 9,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng tăng cường giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để NLĐ biết và tìm việc làm thích hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Song song đó, LĐLĐ tỉnh đã ký kết chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với 70 đơn vị nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giá ưu đãi giúp NLĐ mua hàng giá rẻ hơn so với thị trường, ưu đãi đặc biệt giảm bớt khó khăn….
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An), cho biết để công nhân không vướng vào “tín dụng đen”, công đoàn đã xin ý kiến Ban Giám đốc công ty thành lập “Quỹ tương trợ” để hỗ trợ cho vay đột xuất những người cần tiền gấp. Theo đó, công đoàn phổ biến đến đoàn viên tham gia quỹ và góp từ 20 ngàn đồng hoặc nhiều hơn tùy vào khả năng tài chính. Sau khi góp liên tục 3 tháng sẽ được vay tiền từ Quỹ tương trợ để giải quyết các khó khăn về tài chính. Số tiền được vay từ 5-20 triệu đồng. Có 2 hình thức vay từ quỹ này: Mỗi tháng định kỳ vào ngày 20 NLĐ sẽ viết phiếu vay, hoặc là khoản vay đột xuất, đến kỳ lương kế toán sẽ trừ nợ khoảng 20% trên tổng số lương được nhận. Quỹ tương trợ được thành lập khoảng 18 năm nay và hoạt động xoay vòng. Mỗi tháng, quỹ cho vay từ 150-200 trường hợp. Như vậy, nhiều năm qua quỹ đã cho vay hàng chục ngàn lượt người để giải quyết công việc gấp mà không vướng vào “tín dụng đen”. |
PHƯƠNG QUỲNH