Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những năm qua, dòng vốn FDI vào Bình Dương tiếp tục tăng mạnh, giúp tỉnh tiếp tục giữ vị thế một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến nay, Bình Dương tiếp tục đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.092 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,73 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9% tổng vốn FDI cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,7 triệu đô la Mỹ.
Các dự án FDI đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Tuy nhiên, phải nhìn nhận số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào tỉnh vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, từ nhiều năm qua Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm cụ thể, hiện thực hóa các mục tiêu. Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI vẫn đóng vai trò quan trọng. Thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.
Bình Dương cũng đang tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao, dựa trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế số. Từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
Với lợi thế đang trở thành một điểm đến chiến lược của các doanh nghiệp nước ngoài, Bình Dương đang đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư bền vững và giá trị hơn. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn tiện hạ tầng về công nghệ, đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, đạt các chuẩn mực cao về môi trường… sản xuất theo hướng xanh hóa và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn cũng cần phải được doanh nghiệp và chính quyền các địa phương ưu tiên. Trong đó, chính bản thân các nhà đầu tư lớn cũng cần nâng chất lượng đầu tư với những dự án kỹ thuật cao hơn, công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường hơn…
NGỌC THANH