| 16-05-2024 | 09:41:29

Để khắc phục có hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông: Đầu tư hạ tầng, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu xử lý

Theo đánh giá từ lực lượng chức năng, thời gian qua tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) có chiều hướng giảm. Trong đó, Bình Dương đã thực hiện tốt việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng như các điều kiện cần thiết để giúp giao thông được thông suốt, thuận tiện.


Lực lượng CSGT thực hiện cân tải trọng xe để bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an (CA) tỉnh, cho biết thời gian qua, Ban Giám đốc CA tỉnh thường xuyên chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp với thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) tăng cường khảo sát địa bàn, hạ tầng để xây dựng phương án, đưa ra giải pháp bảo đảm TTATGT; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT. “Qua các giải pháp đã từng bước kiềm chế sự gia tăng về số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT”, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết.

Làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình TTATGT, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết thời gian qua, nhiều công trình giao thông đã được tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng như đường Mỹ Phước - Bàu Bàng; nâng cấp mở rộng đường ĐT.743 đoạn từ ngã tư miếu Ông Cù đến nút giao Sóng Thần, cầu vượt thép ngã tư 550… từ đó đã khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm. Cùng với đó là phân luồng giao thông; bố trí lực lượng điều tiết tại các giao lộ trọng điểm như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.743 trong giờ cao điểm. Nhờ vậy tình trạng ùn tắc được khắc phục. Song song đó, các ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, khắc phục các hư hỏng phát sinh của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, rà soát, xử lý các vị trí “điểm đen” tiềm ẩn TNGT, góp phần hạn chế ùn tắc, TNGT.

Tuy nhiên theo Đại tá Ngô Xuân Phú, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, cần có sự kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu của các ngành. Cụ thể là ngành CA và ngành GT-VT cần phối hợp để khai thác hiệu quả phần mềm trong cơ sở dữ liệu quản lý cấp giấy phép lái xe để quản lý chặt chẽ vi phạm. Từ đó có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, việc tăng cường kết nối dữ liệu giữa CSGT và cơ quan đăng kiểm để ngăn chặn, giải tỏa đăng kiểm đối với các trường hợp vi phạm TTATGT chưa hoàn tất các thủ tục xử lý vi phạm hành chính…

Theo Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh, nhằm kéo giảm TNGT, thời gian qua Ban Giám đốc CA tỉnh quán triệt lực lượng CSGT tập trung thực hiện 5 nhóm chuyên đề, gồm: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe và chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện. Nhờ thực hiện quyết liệt các chuyên đề trên mà tình hình giao thông trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực.

QUỲNH ANH

Chia sẻ