| 14-10-2011 | 00:00:00

Để nông dân thêm tự tin với sản xuất nông nghiệp

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT) còn gọi là Nghị quyết về Tam nông, có thể thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ cho NN, ND, NT nước ta phát triển toàn diện và bền vững. Cách đây 1 tháng, trong cuộc làm việc với Trung ương Hội ND Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, lĩnh vực NN, NT, ND là rất quan trọng và vai trò của ND cũng được khẳng định rõ trong nghị quyết, đó là chủ thể của quá trình phát triển, do vậy Tổng Bí thư yêu cầu cần có biện pháp nâng cao hơn nữa vai trò chủ thể của ND.

Theo thống kê, hiện nay ND nước ta chiếm hơn 70% dân số và hơn 50% lực lượng lao động của toàn xã hội, tuy nhiên đa số các hộ ND vẫn thuộc dạng sản xuất quy mô nhỏ, 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác; thu nhập bình quân cư dân NT chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước; hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo cũng là ND... Từ thực trạng này cho thấy, cần phải có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao vai trò làm chủ của ND, trong đó công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức NN cho ND là rất quan trọng.

Qua 25 năm đổi mới, bộ mặt NT ở nước ta thay đổi từng ngày, tuy nhiên sự phân hóa giàu - nghèo cũng đang xảy ra, trong đó có nguyên nhân do trình độ quản lý, sản xuất của nhiều ND còn lạc hậu, chưa theo kịp xu hướng phát triển. Vì vậy, vấn đề đặt ra là chính sách hỗ trợ ND nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất NN và cả làm dịch vụ NN, NN công nghệ cao cần được thực hiện mạnh mẽ hơn. Thực hiện Nghị quyết về Tam nông, Trung ương cũng đã có đề án đào tạo nghề cho 1 triệu ND, thế nhưng thực tế còn nhiều hạn chế như tỷ lệ người được đào tạo trực tiếp làm NN chỉ chiếm trên 3%, nhiều ND còn nặng suy nghĩ “làm NN thì có gì mà học” hay có tâm lý muốn thoát khỏi NN nên không đi học...

Thực tế cho thấy, để phát huy tốt hơn vai trò làm chủ của ND và nâng cao hiệu quả sản xuất NN, cần gắn kết chặt chẽ việc quy hoạch, phát triển NN với định hướng canh tác, sản xuất cho người ND. Từ đó, xu hướng đào tạo nghề theo nhu cầu của ND mà nhiều địa phương đang áp dụng sẽ ngày càng có hiệu quả hơn. Khi ấy, việc đào tạo, bồi dưỡng của từng hộ ND trở thành một nhu cầu thực sự; từng hộ được đáp ứng nhu cầu một cách cụ thể (trồng cao su thì bồi dưỡng kiến thức trồng cao su, nuôi heo bồi dưỡng kiến thức nuôi heo), không xảy ra tình trạng đào tạo chung chung, lại tránh đầu tư sản xuất tự phát, không phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương.

 Thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều ND mày mò sáng chế ra nhiều máy móc, thiết bị lao động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất NN. Sáng tạo vốn là một trong nhiều điểm mạnh của người dân Việt Nam, do vậy nếu ND được đào tạo, trang bị kiến thức NN một cách bài bản thì chắc rằng những gương sáng kiến ấy sẽ còn phổ biến hơn, người ND cũng thêm phấn khởi, tự tin và thiết tha khi thu hoạch thành quả từ các mảnh ruộng chất lượng cao hay các khu sản xuất, dịch vụ NN công nghệ hiện đại.

Q.MINH

Chia sẻ