Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hiện nay, trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ đồng/năm cho chi phí điều trị.
Nhân viên y tế làm công tác cấp phát thuốc tại một bệnh viện.
Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi, cập nhật toàn diện danh mục thuốc bảo hiểm y tế sau hơn 5 năm.
Một nội dung quan trọng của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi lần này là chi trả bảo hiểm y tế cho việc chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo...
Liên quan vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ đồng/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.
“Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh, không có đặc thù với mặt bệnh nào. Đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí rất cao nên quỹ bảo hiểm y tế rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%,” bà Trang nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế, để tăng quyền lợi cho người bệnh.
Hiện nay, chi phí điều trị ung thư là gánh nặng kinh tế lớn đối với toàn xã hội. Chi cho thuốc ung thư đứng hàng đầu trong tổng chi trả thuốc từ Quỹ bảo hiểm y tế. Từ phía bệnh nhân, gánh nặng chi tiền túi cho điều trị ung thư rất lớn. Theo thống kê của Bệnh viện K, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư khoảng 176 triệu đồng/năm; trong đó, bảo hiểm chi trả khoảng 52 triệu đồng và người bệnh phải tự chi trả khoảng 124 triệu đồng, chiếm 70% tổng chi phí điều trị. Hiện có nhiều loại thuốc ung thư tiên tiến, thế hệ mới ra đời có hiệu quả điều trị cao đối với bệnh nhân, song chưa nằm trong danh sách thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết đưa ra các giải pháp chi trả bền vững và việc bổ sung thêm các thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiền túi cho người bệnh ung thư, cân đối quỹ bảo hiểm y tế đồng thời tăng khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến.
Trong số các thuốc được đề xuất bổ sung vào danh mục, bao gồm nhiều thuốc ung thư phát minh đã được chứng minh có hiệu quả lâm sàng tốt, nhưng đồng thời cũng phát sinh chi phí cao, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ của quỹ bảo hiểm y tế. Vấn đề này đã đặt ra thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách y tế trong bối cảnh nguồn quỹ bảo hiểm y tế có giới hạn, làm thế nào giải quyết được bài toán cân đối quỹ mà vẫn đảm bảo sự tiếp cận của người bệnh với những phương pháp điều trị tiên tiến và có hiệu quả cao về lâm sàng.
Bà Trang cho hay về lâu dài, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm, đồng thời giảm sử dụng các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh ung thư như hút thuốc lá, rượu bia, ăn uống không khoa học…
Theo các chuyên gia y tế, giá thuốc ung thư ngày càng có xu hướng tăng, dẫn đến nguồn ngân sách công gặp khó khăn trong chi trả cho thuốc ung thư, hạn chế sự tiếp cận của người bệnh với các phương pháp điều trị tiên tiến. Nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong quá trình ra quyết định chi trả thuốc ung thư, tuy nhiên kết quả chi trả rất khác nhau như: Áp dụng ngưỡng chi phí - hiệu quả cao hơn cho thuốc ung thư; quy trình xét duyệt riêng cho thuốc ung thư; nguồn tài chính riêng cho thuốc ung thư; thỏa thuận chia sẻ rủi ro; chương trình hỗ trợ người bệnh…. Tuỳ thuộc vào bối cảnh đặc thù, mỗi quốc gia có thể xem xét áp dụng kết hợp các giải pháp nêu trên để tăng cường tiếp cận đối với thuốc ung thư.
Dự kiến, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2024, kịp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8./.
Theo TTXVN