Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Công an xã là lực lượng chủ công, nòng cốt, trực tiếp phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhằm nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả phòng, chống tội phạm của Công an cấp xã, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Công an tỉnh tổ chức triển khai nghiên cứu Đề tài “Công tác phòng, chống tội phạm của CA cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là đề tài) một cách khoa học, cụ thể để tìm ra các phương án mang tính thực tiễn và ứng dụng cao.
Thời gian qua, Công an huyện Dầu Tiếng có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống tội phạm cho Công an cấp xã. Trong ảnh: Công an xã Định An phối hợp ra quân giữ gìn ANTT
Đề tài do Đại tá - Tiến sĩ Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh và Đại tá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thành Chung, Phó trưởng khoa Cảnh sát hình sự Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu tỉnh đánh giá thực hiện xuất sắc.
Vẫn còn những hạn chế
Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an (CA) tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CA toàn tỉnh không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, CA cơ sở luôn được quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm từ cơ sở, sát với cơ sở. Đến nay, CA 91/91 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều được bố trí lực lượng chính quy, đảm đương nhiều chức năng, nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, qua nghiên cứu, khảo sát, nhóm nghiên cứu đề tài đã nêu ra các hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm của CA cấp xã trong tỉnh thời gian qua. Cụ thể, thời gian qua công tác nắm tình hình của CA cấp xã đã đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng chủ động hơn, tuy nhiên công tác này ở một số đơn vị CA cấp xã vẫn còn thiếu sót, chưa sâu sát. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng các mô hình để tập hợp quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm của CA cấp xã tuy đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực nhưng tại một số đơn vị CA cấp xã công tác này vẫn chưa được chú trọng, còn mang tính hình thức, chưa huy động và phát huy hết sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm. CA cấp xã đã tập trung thực hiện các đề án về thu thập dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân và chuyển đổi số, tuy nhiên hiệu quả phối hợp khai thác kết quả từ công tác quản lý hành chính về ANTT phục vụ phòng, chống tội phạm chưa phát huy hết tác dụng, chưa mang lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, công tác nghiệp vụ cơ bản của CA cấp xã đã được thúc đẩy và ngày càng đi vào nề nếp nhưng nhìn chung vẫn còn những hạn chế về mặt chuyên môn, chưa chuyên sâu về nghiệp vụ. Quan hệ phối hợp giữa CA cấp xã với các chủ thể có liên quan trong phòng, chống tội phạm tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn chưa sâu sắc, chưa toàn diện, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT tại cơ sở.
Đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ
Nhóm nghiên cứu đề tài đã đưa ra các nguyên nhân của hạn chế nói trên. Theo đó, thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của CA một số đơn vị, địa phương chưa thật sự sát sao, chưa quyết liệt, chưa bám sát tình hình và chưa triển khai đầy đủ chủ trương, phương châm của Bộ CA và Ban Giám đốc CA tỉnh trong công tác tổ chức lực lượng, thực hiện đồng bộ công tác bảo đảm ANTT và phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Việc kiện toàn, tổ chức lực lượng CA cấp xã chính quy trong thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn, bất cập; số lượng và chất lượng cán bộ CA bố trí công tác tại địa bàn một số xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu so với yêu cầu thực tiễn; nhiều cán bộ, chiến sĩ CA cấp xã phải thực hiện khối lượng công việc vượt gấp nhiều lần so với chỉ tiêu công tác.
Công an xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng triển khai mô hình “tuần tra nhân dân, khắc phục sự cố giao thông” góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn
Bên cạnh đó, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương chịu nhiều tác động từ những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, dịch bệnh (nhất là dịch bệnh Covid-19) dẫn đến những phức tạp về tình hình tội phạm, gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm. Các đối tượng hình sự, ma túy hoạt động lưu động, lợi dụng công nghệ cao và không gian mạng thực hiện hành vi phạm pháp, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động khiến CA cấp xã gặp nhiều khó khăn trong công tác nắm tình hình, công tác nghiệp vụ để chủ động phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác của CA cấp xã nhìn chung vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất các giải pháp trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đại tá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thành Chung cho biết nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm của CA cấp xã tại Bình Dương trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra 6 nhóm giải pháp. Theo đó, tăng cường vai trò của lãnh đạo CA các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, bảo đảm sát sao, quyết liệt hơn; tiếp tục kiện toàn, tổ chức lực lượng CA cấp xã đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới; tăng cường công tác nắm tình hình, nâng cao năng lực dự báo và tham mưu, đề xuất của CA cấp xã trong phòng, chống tội phạm; đồng thời đẩy mạnh, đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở; nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ của CA cấp xã, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học; chú trọng đầu tư trang bị cơ sở vật chất, công cụ, phương tiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống tội phạm của CA cấp xã.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ