| 16-04-2011 | 00:00:00

Đẹp lắm, những tấm lòng tình nguyện...

Với họ, dường như những chuyện “đau đầu” như lương thấp, giá cả tăng không mấy tác động đến! Đơn giản vì họ ít nghĩ cho bản thân mình mà luôn nghĩ về người khác, mong muốn giúp người bất hạnh hơn mình được hạnh phúc. Và như thế, họ đã đem tình yêu thương của mình sưởi ấm ở những nơi cần tình người hơn cả... Không thuộc tổ chức nào bởi họ không được mời gọi, hướng dẫn làm tình nguyện viên cho công tác xã hội. Họ là những người tình nguyện (NTN) theo đúng tinh thần của từ này và làm việc với một trái tim nhân ái...

 

Ni sư Thích nữ Huệ Văn đang giảng dạy cho trẻ bán vé số

An ủi người già

Trung tâm Nuôi dưỡng người già tàn tật, cô đơn tỉnh ở An Sơn, TX. Thuận An (từ tháng 4-2011 được gọi là Trung tâm Bảo trợ xã hội) thường ngày vẫn yên ắng, thanh bình với hình ảnh các cụ già ngồi chơi ở ghế đá, dạo quanh sân, nghe đài, xem tivi hay đánh cờ cùng nhau. Đôi khi, những người già ở đây thấy “vui vẻ, rộn ràng” hơn. Đó là lúc có những NTN đến với họ. Bà cụ Phan Thị Lên, 95 tuổi, quê ở Nha Trang, vào Bình Dương làm thuê và sống tại trung tâm từ nhiều năm nay cười vui cho biết: “Những lúc có người đến thăm, ở lại hỏi han vài ba câu, làm giúp cho chúng tôi vài ba việc như đóng lại cây đinh, giăng lại sợi dây phơi đồ, dọn phòng là chúng tôi vui lắm”. Cũng theo cụ, có nhiều cá nhân, tổ chức hay đến tặng quà, thăm hỏi và những lúc như thế, các cụ thấy mình được an ủi, bớt đi sự cô đơn.

Một lần, tôi ghé trung tâm này vào buổi trưa. Đang giờ làm cơm và ở bếp có đến gần 10 chị cùng hì hụi nấu ăn. Họ không phải là “đầu bếp chuyên nghiệp” mà chỉ là nhân viên ở trung tâm hoặc NTN đến để giúp những người già có bữa cơm ngon hơn, có không khí gia đình hơn. Nhiều chị thoăn thoắt nhặt nhạnh từng cọng rau vàng úa. Có chị đang nhanh tay đảo chảo đùi gà chiên trên bếp.  Một NTN cười không cho tôi biết tên, chị chỉ nói: “Khi nào rảnh mình vào đây giúp các cụ, chuyện trò cùng các cụ. Mình cũng có tứ thân phụ mẫu nhưng ba mẹ ở nhà được chăm sóc chu đáo, được sum vầy bên con cháu. Thế nên nhìn các cụ ở đây trong cảnh cô đơn thấy thương lắm, nhất là với những bệnh nhân lớn tuổi không có ai chăm sóc”.

 

Cô Thạch Thảo đang chăm sóc trẻ tại Trung tâm Bồ Đề

Chị Thanh Hải, nhân viên văn phòng ở trung tâm này cho biết có nhiều tổ chức, cá nhân thỉnh thoảng tình nguyện đến phụ giúp nấu ăn, chăm sóc các cụ, làm vệ sinh môi trường... Họ không đòi hỏi gì, hoàn toàn không có thù lao gì cả và những dịp lễ, tết càng có nhiều người đến giúp đỡ...

Vỗ về trẻ thơ   

Khác với những NTN ở các trung tâm nuôi dưỡng người già thỉnh thoảng mới đến, tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già neo đơn Bồ Đề  (5/1, ấp Bình Phước B, xã Bình Chuẩn, TX. Thuận An) luôn luôn có những người sẵn sàng đem công sức của mình phụ các ni sư lo cho trẻ mồ côi. Hơn 5 năm qua, có người là công nhân, có người là giáo viên, có người là nội trợ nhưng tất cả họ đã cùng những tu sĩ ở đây làm “người mẹ” lo từng miếng ăn, giấc ngủ của các bé.

Tôi còn nhớ hình ảnh cô sinh viên nhỏ nhắn ở Bến Cát đến xin sư cô Thích nữ Từ Thảo, Trụ trì chùa Bồ Đề đạo tràng kiêm Giám đốc trung tâm cho em được tình nguyện ở đây một tháng trước khi nhập học vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM để giúp các em nhỏ. Lý do đơn giản chỉ là: “Em được ba mẹ yêu thương, cưng chiều cho ăn học đến nơi đến chốn nên nhìn các em ở đây thương quá”. Có nhiều cô công nhân tan tầm ở những công ty gần trung tâm đã tranh thủ đến chơi đùa cùng các bé. Thỉnh thoảng, thấy mấy thanh niên trong vùng hay công nhân đến đá cầu với các bé trai. Những lúc đó, các em mới hồn nhiên, vui tươi làm sao. Dường như những suy nghĩ nặng nề về thân phận mình sẽ dần dần từ bỏ các em khi được những NTN luôn ở bên cạnh để vỗ về, thương yêu, nâng đỡ các em.

Ngày khánh thành trung tâm, những em lớn tuổi hơn được cùng người lớn dự lễ. Những gương mặt hớn hở khi từ nay, các em được sống trong một môi trường rộng rãi, thoáng mát. Ở trong dãy phòng cho bé sơ sinh, những NTN vẫn âm thầm, lặng lẽ công việc thường nhật của mình. Họ cho bé ăn, bú sữa bình, vệ sinh và vỗ về ru bé ngủ.

Tôi gặp ni cô Thạch Thảo, quê ở Hải Phòng đang lúi húi chăm sóc một lúc 3 bé sơ sinh và vài tháng tuổi. Là một tu sĩ nhưng tay cô thoăn thoắt thay tã giấy cho bé rồi vội vàng đi pha bình sữa... Cô Thạch Thảo cho biết, cô vào Bình Dương từ tháng 8-2010 để theo học lớp Trung cấp Phật học. Tuy nhiên, khi “có duyên gặp được các bé ở đây, tôi tự nguyện dành thời gian rảnh rỗi của mình trong ngày ngoài những lúc tu học để chăm sóc các bé”. Với cô, việc làm này là quá đỗi bình thường...

Và truyền trao từng con chữ...

Sư cô Thích nữ Từ Thảo tâm sự: “Một lần, tôi bắt gặp rất nhiều trẻ bán vé số vào chùa chơi với những trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng ở trung tâm, tôi bắt chuyện mới được biết những bé này theo ba mẹ từ nơi khác đến. Tưởng đâu chúng được đi học một buổi, bán vé số một buổi nào ngờ tất cả đều thất học. Thế là tôi nghĩ, mình vẫn còn... nhiệm vụ nên đã tổ chức lớp học tình thương ngay tại trung tâm”.

Với những trẻ ở Trung tâm Bồ Đề, khi đến tuổi mẫu giáo, lớp một đều được đi học tại các trường ở TX. Thuận An. Những bé có năng khiếu về tiếng Anh, hội họa còn được cô Từ Thảo cho đi học thêm. Thế nên khi so sánh những đứa bé ở trung tâm và các trẻ lang thang, cơ nhỡ, cô đã không đành lòng để chúng lớn lên trong cảnh mù chữ rồi tương lai cũng tối mịt như thế.

Dịp Tết Tân Mão vừa qua, lớp học tình thương của Trung tâm Bồ Đề ra đời nhưng không biết tuyển giáo viên ở đâu. Tuy nhiên, nỗi lo của cô đã tiêu tan khi có nhiều NTN đứng lớp. Cô Thích nữ Huệ Văn, ni sinh trường Trung cấp Phật học (chùa Hội Khánh) vốn là một giáo viên trước khi xuất gia đã nhận dạy một lớp với “nhiều trình độ văn hóa” khác nhau của cấp tiểu học. Cô Kim Loan, quê Bình Thuận làm nhân viên ở Công ty Chí Hùng cũng tình nguyện đứng lớp sau giờ tan ca. Thêm nhiều NTN nữa đã đến với trung tâm bằng tất cả tấm lòng yêu trẻ, muốn truyền trao những con chữ, kiến thức phổ thông về vi tính, tiếng Anh cho trẻ. Đó là những cô như Trịnh Thùy Dung ở Bình Phước, Lê Thị Thanh Hằng (sinh viên năm thứ 2 Đại học mở TP.HCM) nhận đứng lớp 2, lớp 3. Thế là mỗi chiều, từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút trong các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, những lớp học tình thương ở đây... lên đèn! Cô thì sau giờ tan ca, trò thì sau giờ... bán vé số ê a, ríu rít cùng nhau. Lớp học cũng chộn rộn, sôi động hẳn trong 15 phút ra chơi giữa giờ...

Cô Từ Thảo nói: “Ban đầu, tôi cứ tưởng mở lớp ra chỉ dạy cho khoảng vài em ở gần chùa. Thế nhưng, lớp ngày một đông và khi đông nhất, cả 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 có khoảng gần 70 em. Tôi cũng như các cô ở đây rất vui khi làm được việc này. Cảm động hơn nữa là có phụ huynh tìm đến cảm ơn. Anh nói quê ở miền Tây, khó khăn quá nên cả nhà lên Bình Dương làm thuê, bán vé số. Không xin được cho con học tiếp vì bé đang học dở dang lớp 3, anh cũng buồn lắm nhưng nay đã có lớp học này, anh sẽ đi bán vé số luôn phần của con để bé yên tâm đi học”.

Vào lớp học nhưng các bé khoe với nhau hôm nay bán được nhiều ít vé số. Bé Nguyễn Thị Diễm My (12 tuổi) khoe “thành tích” của mình với 70 tờ bán được từ sáng đến gần 16 giờ. Em Nguyễn Văn Giàu (9 tuổi) buồn buồn: “Tui bán có 20 tờ à!”. Nhưng khi cô giáo cất giọng giảng bài, những gương mặt ngây thơ này tạm thời quên đi hình ảnh của xấp vé số, đôi dép lê mòn đế nằm lăn lóc bên cửa. Chúng háo hức học những chữ mới, kiến thức mới từ các cô truyền dạy cho...

Không nhận một đồng thù lao, không yêu cầu bất cứ điều gì, những NTN cứ thế đem tấm lòng mình đến với những người cần họ...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ