Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Di chỉ khảo cổ học Mỹ Lộc (còn có tên gọi khác là Gò Đá, Gò Chùa) ấp 2, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên (cũ). Di tích nằm trên một dải đồi thấp và khá bằng phẳng có cao trình khoảng 30m so với mực nước biển, chạy dài theo hướng đông bắc - tây nam và cách bờ sông Đồng Nai khoảng 1km.
Khai quật di tích Mỹ Lộc
Lịch sử phát hiện và nghiên cứu
Mỹ Lộc là di tích khảo cổ học được biết đến vào loại sớm nhất của Đông Nam bộ. Năm 1889, T.V.Holbé là người đầu tiên đã phát hiện ra di tích này. Trong khoảng một giờ rưỡi khảo sát tại đây, ông đã thu được 60 hiện vật đá các loại. Những nhận định bước đầu về tính chất cũng như quy mô của di tích được đề cập trong các công bố của ông vào năm 1889 và 1915. Trong những năm 1948-1949, có những người Pháp đến đây sưu tầm rìu đá với mục đích chơi đồ cổ hơn là điều tra khảo cổ học chân chính. Trải qua một thời gian dài di tích này bị lãng quên, không nhận được sự quan tâm khảo sát của các nhà khảo cổ học, có thể do đây là khu vực chiến sự ác liệt.
Sau ngày thống nhất đất nước, khoảng tháng 6-1976, Ban Khảo cổ (nay là Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ) thuộc Viện Khoa học xã hội miền Nam (tiền thân của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) đã cử ông Nguyễn Văn Long là cán bộ của ban đến di tích nhằm điều tra, kiểm chứng lại những công bố trước đây của T.V.Holbé. Tháng 4-1977, một cuộc điều tra thám sát đã diễn ra tại đây với sự tham gia của Nguyễn Văn Long và Phạm Đức Mạnh. Qua kết quả thám sát, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là một di tích mang tính chất của một “công xưởng” chế tác đá, có niên đại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên. Sau đó, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Úc - H. Loofs Wissowa đã đến thăm di tích. Ông đã đánh giá Mỹ Lộc là một trong những di tích thời kỳ đá mới quan trọng loại bậc nhất Đông Nam Á.
Hiện vật trong hố khai quật
Năm 1997, đoàn khảo cổ học Nhật Bản đã đến thăm di tích cùng với cán bộ Trung tâm Khảo cổ học và Bảo tàng Bình Dương, tại đây đoàn đã thu được nhiều hiện vật đá xuất lộ trên bề mặt trong quá trình đang thi công con đường. Vào những năm 1998 và 2000, các cán bộ của Trung tâm Khảo cổ học đã trở lại địa điểm này. Theo các nhà khảo cổ thì những công cụ đá thu được tại di tích gần gũi với các di tích tiền sử ở Đông Nam bộ và niên đại trên dưới 3000 năm cách ngày nay. Mỹ Lộc trở thành di tích được quan tâm và đánh giá cao về mặt giá trị khoa học.
Tháng 12-2004, Bảo tàng Bình Dương phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tiến hành khai quật di tích Mỹ Lộc do T.S Bùi Chí Hoàng (Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học) chủ trì. Công trường khai quật được triển khai trên tổng diện tích 432m2 với bốn hố khai quật ở các bậc địa hình khác nhau của di tích. Đây là lần đầu tiên di tích này được khai quật, chính vì thế thông tin thu được trong quá trình khai quật rất có giá trị về mặt khoa học, góp phần làm thay đổi một số nhận thức trước đây về tính chất, niên đại cũng như vị trí của di tích Mỹ Lộc trong diễn trình phát triển của phức hệ văn hóa sông Đồng Nai.
Diễn biến tầng văn hóa, tính chất di tích cư trú
Hiện vật đồng trong hố di tích Mỹ Lộc
Tầng văn hóa của di tích này không dày, tương đối thuần nhất và diễn biến liên tục. Kết quả khai quật cho thấy, đây là một di tích cư trú kết hợp với tính chất “xưởng” chế tác công cụ đá, tuy rằng không mang tính chuyên môn hóa như các công xưởng. Quan sát địa tầng trên vách các hố đào thì địa hình ở khu vực di tích trước kia không bằng phẳng, cao ở phía đông và thấp dần về phía tây. Dưới cùng (sinh thổ) là lớp letarite màu nâu đỏ nhạt, không có dấu vết văn hóa. Tiếp theo là lớp đất sét bồi tụ màu nâu, lớp này tương đối dày và không đều nhau, có ít hiện vật khảo cổ. Bên trên lớp đất này là tầng văn hóa, dày từ 0,20 - 0,40m, đất tơi xốp, màu nâu xám vàng, chỉ có một tầng văn hóa thuần nhất từ trên xuống.
Qua tư liệu khai quật có thể hình dung cư dân cổ tại di tích Mỹ Lộc vào giai đoạn này sinh sống thành một làng nhỏ, với các ngành nghề thủ công đã được chuyên biệt ở một mức độ nào đó. Có thể đây là nơi họ thực hiện công đoạn hoàn thiện các sản phẩm đã được sơ chế ở một địa điểm khác đem đến, dấu vết để lại là các khối, mảnh bàn mài ngổn ngang trên bình diện di tích. Họ đã có một trình độ chế tác đồ đá rất cao, hoàn thiện, với những khu vực chế tác công cụ tập trung như một “xưởng” với các sản phẩm công cụ đá, đàn đá… Ngoài ra, có thể cư dân cổ Mỹ Lộc còn sống bằng nông nghiệp và khai thác các nguồn lợi tự nhiên như săn bắt thú rừng, đánh bắt cá trên sông Đồng Nai.
Quá trình giao lưu với bên ngoài đã giúp người cổ Mỹ Lộc tiếp cận với loại hình nguyên liệu mới là đồng và theo dòng chảy văn hóa đó, có lẽ họ cũng đem về những loại hình đồ gốm cùng với phương thức tô màu đồ gốm là những yếu tố mới lạ so với truyền thống gốm Đông Nam bộ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện trong di tích một hiện vật đồng có hình dáng nhọn, dài có thể là một mũi lao, đây có thể là vật được du nhập từ bên ngoài, do trong di tích hoàn toàn không phát hiện thấy vết tích của khuôn đúc.
Tính chất “di chỉ xưởng chế tác đá”
Bên cạnh tính chất cư trú của di tích Mỹ Lộc, còn có một chi tiết cần lưu ý nơi đây đó là việc tìm thấy rất nhiều bàn mài bằng sa thạch với 949 hiện vật trong hố khai quật. Ngoài ra, trong hố khai quật H3 còn tập trung nhiều mảnh tách, các đoạn - thanh đá dài có dấu vết chế tác, được làm từ loại đá có thể phát ra âm thanh trong trẻo (loại đá kêu) khi dùng một vật khác gõ vào. Những yếu tố đó gợi lên suy nghĩ phải chăng, đây chính là nơi chế tác đàn đá của cư dân Mỹ Lộc? Tại đây cũng có nhiều công cụ đá (rìu, vai, đục…) được tái chế sau khi bị hư hỏng (gãy, mẻ lưỡi..) trong quá trình sử dụng bên cạnh một số ít công cụ mới nguyên với rìa lưỡi được mài sắc bén chưa qua sử dụng. Trên bình điện khai quật, các di vật bàn mài nằm ngổn ngang, với đủ loại hình và kích thước. Ngoài ra còn có một số tảng bàn mài kích thước lớn mà bên trên nó có dấu mài của các loại công cụ có bản lưỡi rộng, hay các dấu vết mài hình hạnh nhân.
Tính chất xưởng chế tác “đàn đá” không rõ bằng tính chất của một di chỉ xưởng chế tác công cụ đá, nhưng đấy lại là một phát hiện mới và có ý nghĩa quan trọng đối với ngành khảo cổ học. Đàn đá và phác vật đàn đá đã được phát hiện trong các di tích khảo cổ học gần đó như Bình Đa, Gò Me, Suối Linh (tỉnh Đồng Nai) và xa hơn ngược sông Đồng Nai (trên địa bàn tỉnh Bình Phước). Phát hiện này tại Mỹ Lộc góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu về nguồn gốc và kỹ thuật chế tác đàn đá ở Đông Nam bộ thời tiền sử.
Tại Mỹ Lộc không tìm thấy mẫu than hay tàn tích thực vật để có thể phân tích carbone phóng xạ nhằm xác định niên đại cho di tích, nhưng theo PGS - TS Bùi Chí Hoàng (Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tại TP.HCM), thì có thể khung niên đại của Mỹ Lộc vào khoảng 3000 năm đến 2500 năm cách ngày nay, tương đương với di tích Dốc Chùa vì trong di tích phát hiện nhiều vòng tay hình đĩa tiết diện tam giác cùng một số lõi vòng là các sản phẩm của giai đoạn muộn, đặc biệt phát hiện một di vật đồng có dáng giống một mũi lao cũng góp phần củng cố thêm mốc niên đại 2500 cách ngày nay của di tích.
BÌNH CÔNG