| 11-05-2020 | 16:01:34

Đi tìm thuốc giải cho “cơn mê sảng” về tôn giáo

Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) mới đây đưa ra Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020-một bản báo cáo có thể nói là “đáng thất vọng”, trong đó đại ý nhận định rằng, Việt Nam vẫn chưa có tự do tôn giáo thật sự, đồng thời muốn đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.

Dù ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 của USCIRF đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, song Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào cuối tuần qua cho rằng, báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về Việt Nam. Đáng buồn hơn nữa, USCIRF tiếp tục khuyến cáo đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.

Trước hết, phải khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, cụ thể là có tổng cộng hơn 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Đời sống sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam ngày càng phong phú với khoảng 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức mỗi năm. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác và các hoạt động tôn giáo quốc tế lớn, điển hình như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.


Ảnh minh họa/ tuyengiao.vn.

Cũng có thể khẳng định rằng, tình hình tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm trước hết là nhờ chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đây là những thông tin không mới, đã được đề cập nhiều lần, song vẫn cần tiếp tục nhắc lại, bởi vẫn còn không ít người chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu.

Nói đến tôn giáo, nên nhớ rằng không có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nào đứng ngoài pháp luật nhà nước, và chẳng riêng gì tại Việt Nam, thực tiễn trên thế giới đã chứng minh điều đó. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Nói cách khác, cho dù là ai, ở đâu và lúc nào thì cũng cần xác định rõ “ranh giới không thể bị xóa nhòa” giữa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật.

Hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy một thực tế rằng, tôn giáo lâu nay đã bị biến thành chiếc “mũi dùi hoen gỉ” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mà dễ thấy nhất là những hành động núp bóng tôn giáo để rao giảng các thông tin xuyên tạc, bôi đen về tình hình đất nước, từ đó kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền. Sau vỏ bọc về vấn đề tôn giáo cũng là những mưu đồ tiến hành thành lập, xây dựng lực lượng, hình thành nên tổ chức chống đối. Và còn rất nhiều mưu đồ thâm hiểm, oái oăm khác dưới cái bóng mờ ảo của “ngọn cờ tôn giáo” ấy.

Trở lại với báo cáo của USCIRF, ngay trong phần mở đầu, văn bản này đã đưa ra đánh giá sặc mùi kỳ thị khi cho rằng trong năm 2019, tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam nói chung vẫn có khuynh hướng như năm trước đó. Theo báo cáo, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải chịu nhiều áp bức, kể cả bị hành hung, bắt giữ hoặc trục xuất ra khỏi địa bàn vì họ hành đạo một cách ôn hòa. Nghe qua đã thấy vô lý, vì nếu đã hành đạo ôn hòa, thì cớ gì để ai áp bức, trong khi thực tiễn lâu nay đều cho thấy, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Hay như trong phần “các phát hiện chính”, báo cáo cho rằng “ở một số tỉnh Đông Bắc, nhà chức trách đốt phá ít nhất 35 nhà tang lễ, những nơi được coi là quan trọng cho các lễ lạt cốt yếu của giáo phái Dương Văn Mình”; hoặc “vào năm 2019, Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù nhiều lãnh tụ tôn giáo ôn hòa cũng như các cá nhân bênh vực tự do tôn giáo”, điển hình trong số đó có Nguyễn Bắc Truyển-“một người đấu tranh cho Phật giáo Hòa Hảo bị kết án 11 năm tù…”. Trong khi đó, ít ai không biết rằng giáo phái Dương Văn Mình vốn gắn liền với những hoạt động, chiêu trò gây mất ổn định an ninh chính trị, đòi thành lập quốc gia ly khai tự trị cho dân tộc Mông ở Tây Bắc. Còn Nguyễn Bắc Truyển là một trong những đối tượng khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức gọi là “Hội anh em dân chủ”. Lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự”, Truyển cùng đồng bọn muốn che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ” nhằm lật đổ chính quyền.

Vậy nên, việc đưa tội danh của những đối tượng này ra trước ánh sáng thực chất là hành động chứng minh cho sự thượng tôn pháp luật, chỉ cho họ thấy cái ranh giới bất khả xâm phạm giữa tự do tín ngưỡng, tôn giáo với các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật.

Tiếc rằng, thay vì nhìn vào thực tế tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam để có cái nhìn đầy đủ và đúng đắn, những người soạn thảo báo cáo của USCIRF lại dễ ràng bị ru ngủ bởi liều thuốc tạp nham được tung ra bởi chính những kẻ mà họ đang cố dang tay bảo vệ. Và việc báo cáo đưa ra những nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, không đúng sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần phát đi thông điệp rằng, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tôn giáo, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Thế nhưng, để bắt đầu điều đó, những người được coi là tác giả báo cáo của USCIRF cần rũ bỏ vai trò “cứu tinh” cho những kẻ lợi dụng khái niệm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để quấy phá và sớm thức tỉnh sau “cơn mê sảng về tôn giáo” kéo dài bấy lâu nay.

Theo qdnd.vn

Chia sẻ
Tags
tôn giáo