Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 1: Thú chơi với... “bạn” của khủng long!
Có lần thực hiện đề tài phóng sự về phong trào chơi gỗ lũa ở Bình Dương, tôi được một nghệ nhân nhỏ to: “Ở Đắc Lắc có một loại cây vân rất đẹp, chất gỗ tốt mà có thể phòng trừ bệnh tật, có thể chữa cả bệnh ung thư lại rất hiếm, hiếm hơn cả vàng. Đó là gỗ thủy tùng (TT)”. Đầu xuân Tân Mão, tình cờ có một đại gia Bình Dương rủ về Đắc Lắc săn mua TT, mới hiểu được một thú chơi không hề... rẻ của giới sành gỗ Việt Nam.
Hấp dẫn thủy tùng
Xe vừa qua khỏi Trạm thu phí Suối Cát, đại gia H. người đang khát khao có một bức tượng TT, thứ được xem là mốt mới của giới sành gỗ Việt Nam cho biết: “Đây đã là chuyến thứ 3 tôi đi tìm mua TT ở Đắc Lắc. Chẳng dễ chút nào vì giờ mặt hàng này hiếm mà giá lại cao. Hẹn ngày về, qua cửa trạm thu phí này nhất định phải kiếm được một tượng Phật Di Lặc trên 500 triệu đồng mới hả dạ!”.
Bức tượng Phật Di Lạc trị giá 550 triệu đồng mà một người Bình Dương vừa mua
Gỗ TT đẹp thật! Đến nỗi, khi được dắt đến nhà đầu nậu B. ở đường Điện Biên Phủ, TT. Ea Drăng (Ea H Leo - Đắc Lắc) chúng tôi không thể không kinh ngạc trước hàng chục sản phẩm gỗ được làm bằng TT. Gỗ TT có hàng trăm vân lớn nhỏ khác nhau, lại được xếp hình vân chuối nên đối với những nghệ nhân tạc tượng gỗ, đây là loại gỗ có giá trị nhất. Nghệ nhân V. đi theo đoàn chúng tôi cho biết: “Vì là vân hình chuối nên cây TT rất được ưa chuộng để tạc tượng và các vật phẩm trưng trong nhà như lục bình, liễn... Ưu điểm của dạng vân này là hễ vót nhọn ở đâu là gỗ đều có xoáy rất tự nhiên và đẹp”.
Theo các nhà khoa học, TT chủ yếu mọc ở các vùng đầm lầy, thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật rừng, là cây gỗ lớn thường xanh, cao từ 25 - 30m, đường kính thân lớn từ 1,3m trở lại, không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, nhiều hoa văn, có mùi thơm, càng ngâm lâu dưới nước, dưới bùn càng bóng mà các loài cây khác không thể nào có được...
Hiếm nhưng không khó kiếm
TT (còn gọi là thông nước) có tên khoa học là Glyptostrobus Pensilis, có tên trong Sách đỏ thế giới, được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần. Nhiều người ví von đây là “bạn” của khủng long. Bởi cây TT là một trong số các loài hiếm hoi còn sống sót từ thời tiền sử, khi ấy, khủng long còn tồn tại trên trái đất? TT có tên trong Sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ Sinh vật hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài bị săn lùng ráo riết nhất. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể cuối cùng ở huyện Ea H’leo và Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc với khoảng 280 cây. Vì thế, những hành vi khai thác, vận chuyển và mua bán TT đều phải xử lý hình sự. Hiếm là thế nhưng việc tìm mua TT ở Việt Nam hiện nay đều không mấy khó khăn nếu “đi đúng hướng” như lời người thương lái dắt chúng tôi về Ea H’leo.
Gỗ thủy tùng được ưu chuộng nhờ khả năng tạo vân và màu gỗ rất đẹp
Gõ từ “gỗ TT” bằng công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy một giây đã cho tới 6.750 kết quả. Trong vai người đi mua TT, chúng tôi đến khu vực hồ Ea Ral, hỏi mua loại gỗ này. Sau vài phút rụt rè, anh K., chủ nhà mang ra khá nhiều lục bình, tượng phật bằng gỗ TT: “Vào năm 1987, khi ngăn đập hồ Ea Ral chứa nước, người ta đã đốn nhiều cây TT. Giờ thì nó được móc lên khỏi bùn đen và bày bán tràn lan. Tất cả đồ gỗ này đều làm từ cây TT lấy từ đáy hồ nên chất lượng miễn chê” - anh K. giới thiệu. Thấy khách có vẻ sành và sộp, H. rỉ tai tôi: “Anh cần mua bao nhiêu cũng có. Em có thể mua gom cho anh với giá mềm...”.
Đến nhà chị C. cách đó không xa, chúng tôi được dắt vào xem 7 khúc gỗ TT khoảng chừng hơn 2m3, trị giá 300 triệu đồng. Giả vờ lắc đầu chê ít, chị C. dắt đi sâu vào sau nhà, luồn sau những luống cà phê đang trổ bông trắng xóa rồi chỉ vào 2 súc gỗ TT có đường kính đến 90cm, dài hơn 1,5m và mỗi súc được định giá hơn 200 triệu đồng. Theo chị C., đây là hai trong số các cây lớn còn sót lại ở địa phương. Vì kẹt lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng TT còn sống nên còn rất nhiều gỗ TT như thế được giấu ở xã Ea Ral chờ người đến tiêu thụ.
“Bạn” khủng long cũng... đắt khủng khiếp!
Anh Nguyễn Văn Sơn, là một trong những người sành gỗ ở thị trấn Ea Drăng cho biết, giá thu mua gỗ TT cực kỳ cao, một mét khối có giá từ 150 triệu đồng trở lên, một cặp lộc bình cao chừng gang tay nay đã có giá 3 - 4 triệu đồng, hoặc cao 1,6m, đường kính 45 - 50cm có giá 60 - 70 triệu đồng, bộ ông Phúc - Lộc - Thọ cao nửa mét có giá từ 15 triệu đồng trở lên...
Cây TT có đặc tính sinh trưởng rất chậm, một trăm năm mới tạo được một vòng vân gỗ và sống rất cằn cỗi. Cứ tính theo đường vân ấy mà nhẩm, có đến hàng trăm cây TT bị người dân ở Đắc Lắc khai thác lên đến hàng trăm, ngàn vòng vân. Làm phép nhẩm đơn giản, mỗi cây TT có đường kính 1m trở lên thì tuổi thọ của chúng lên đến cả triệu năm.
Quần thể thủy tùng lớn nhất còn sót lại tại Ea H'leo, Đắc LắcNhững năm 1978-1980, để chắn nước xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, hàng trăm cây TT cỡ lớn được đốn hạ. Đối với người dân trong vùng rừng núi này, thời điểm đó, TT không phải là loại được dân chuộng. Nhiều người dùng TT làm các công trình phụ như nhà vệ sinh, chuồng gà, cọc tiêu và thậm chí là... làm ván cốp pha xây dựng. Thế nhưng gần đây, do có tin đồn TT có thể chữa được ung thư nên gỗ TT được săn lùng ráo riết. Mặt khác, theo quan niệm của các tay chơi, của các “đại gia” thì cái gì càng quý hiếm, càng cấm thì các “đại gia” càng muốn sở hữu, nên giá mỗi ngày đội lên càng cao.
Không chặt được cây vì vấp phải kiểm lâm, lâm tặc chuyển sang hướng lặn xuống hồ xăm tìm gỗ ở ngay chân đập. Gỗ này lại quý hơn vì đã được ngâm dưới nước hàng chục năm, màu gỗ chuyển từ đỏ sang xanh đen, vân gỗ càng nổi, hấp dẫn giới sành đồ gỗ. Nắm được điều này, đầu nậu gỗ thuê người dân địa phương lợi dụng những lúc trời mưa bão, đêm tối, lặn xuống hồ xăm tìm. Theo tìm hiểu, giá mỗi mét khối gỗ TT lấy từ đáy hồ lên tới cả trăm triệu đồng, trở thành một trong những loại gỗ đắt nhất hiện nay trên thị trường ngầm.
Ngay tại Ea H’leo bây giờ, TT được xem là “vàng rừng”. Vì ai ai cũng ao ước có được thứ gỗ quý hiếm này làm đồ chơi trong nhà. Sau đó, phong trào chơi TT ngày càng được nhân rộng ra trong cả nước. Một bức tượng Phật Di Lặc bằng TT đắt giá nhất tại huyện này của một đại gia tên Ch. người gốc Bình Định có giá lên đến hơn nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó chưa phải là “đỉnh” trong thế giới TT. Kỷ lục thuộc về một bức tượng khác có đường kính lên đến 1,5m và cao 2,6m, giá khoảng 1,7 tỷ đồng được đưa ra tận Hà Nội. Là cửa ngõ của “chợ” TT TP.HCM nên Bình Dương cũng là một trong những điểm đến của nhiều tượng TT thuộc hàng “độc”. Mới đây, anh M., nhà ở Bến Cát gây sốc khi tậu được một bức tượng Phước - Lộc - Thọ lên đến vài trăm triệu đồng.
Cũng giống như mọi sản vật từ rừng khác, TT sau khai thác được đưa đi càng xa nguồn gốc, lọt được càng nhiều chốt trạm bảo vệ lại càng... đắt. Vì thế, cơn sốt giá TT ngày càng được đẩy lên cao trong bối cảnh loài cây này đứng trên bờ diệt vong cộng thêm trào lưu sính “hàng hiếm” của các đại gia.
Kỳ 2: Tận diệt thủy tùng
KHÁNH VINH