Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cả khách hàng và thợ cắt tóc đều thích việc không phải giao tiếp với nhau, kể cả khi dịch đã qua
Nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đại dịch COVID-19, nhà chức trách ở Nhật Bản đã thúc đẩy chính sách “không giao tiếp” hoặc “ít giao tiếp” trong các trường học, cửa hàng và siêu thị.
Trong bối cảnh hạn chế giao tiếp, khi người và người ít nói hơn với nhau, virus cũng sẽ ít có khả năng lây lan hơn qua các giọt bắn. Hầu như mọi người Nhật đều hiểu và tuân thủ yêu cầu này. Nhưng dường như đây lại là yêu cầu không phù hợp với các doanh nghiệp như tiệm làm tóc và cắt tóc, nơi giao tiếp là một phần của dịch vụ.
Nhằm khuyến khích sự tuân thủ quy định chống dịch ở những nơi này, một tiệm làm tóc tại Tokyo đã quyết định triển khai dịch vụ “cắt tóc im lặng”. Điều thú vị là nó đã được yêu thích đến mức nhiều tiệm làm tóc khác nhanh chóng học theo. Và người ta vẫn giữ nguyên dịch vụ "cắt tóc im lặng", ngay cả khi những hạn chế liên quan đến đại dịch đã được dỡ bỏ.
"Thật tuyệt vời. Tôi đã chờ điều này trong suốt 20 năm qua. Bởi phải tán gẫu với người thợ cắt tóc là một điều quá chán nản nên thường phải tới 3 năm tôi mới đi cắt tóc một lần ”,một người sử dụng dịch vụ cắt tóc im lặng cho hay.
“Tôi đã được cứu vớt với dịch vụ mới, vì những cuộc trò chuyện với thợ làm tóc thật phiền toái,” một người khác nhận xét.
Cắt tóc trong im lặng đã không biến mất sau khi các hạn chế phòng dịch COVID-19 trên khắp Nhật Bản được dỡ bỏ. Hoạt động ngày thậm chí càng lúc càng được ưa thích.
Một cuộc khảo sát gần đây ở Nhật Bản cho thấy hơn 70% người được hỏi thừa nhận họ thích trải nghiệm mới mẻ này. Những lời giải thích phổ biến nhất là phương pháp cắt tóc trong im lặng rất thư giãn, tạo cảm giác thoải mái. Người đi cắt tóc có thể thực sự được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, thay vì phải tiêu tốn chút năng lượng còn lại để nghe những thông tin không mong muốn và trả lời các câu hỏi.
Hóa ra, các thợ làm tóc cũng thích kiểu lao động trong im lặng này. Nhiều người cho biết họ đã được các thầy dạy nghề truyền đạt rằng giao tiếp với khách là một yêu cầu bắt buộc liên quan tới công việc.
“Những ngày đầu học nghề, tôi được dạy cách giao tiếp, và hỏi về kiểu tóc mà khách hàng muốn cắt và những thứ khác. Nhưng việc phải hỏi han cả những chủ đề mà mình không thích khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Vì vậy, tôi quyết định đặt quyền riêng tư của khách lên trên hết”, một thợ làm tóc giấu tên cho biết./.
Theo TTXVN