Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để bảo đảm cho việc người dân mua sắm hàng hóa thuận tiện trong thời gian giãn cách xã hội, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng đưa vào hoạt động các điểm bán hàng bình ổn giá, giảm tải cho hệ thống trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị (ST) trên địa bàn.
Chuyến xe bán hàng bình ổn giá tại khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa, TP.Thuận An
Kích hoạt nhanh Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết ngay sau khi nhận được công văn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, TP.Dĩ An đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp, đơn vị sản xuất, chính quyền các phường để bố trí điểm bán hàng bình ổn. Theo đó, trong ngày 20- 7, đã đưa vào 2 điểm bán hàng thiết yếu tại Bưu điện TP.Dĩ An và Trung tâm Văn hóa phường Tân Bình. Trên địa bàn phường An Bình bố trí thêm 2 điểm bán hàng lưu động tại văn phòng khu phố Bình Đường 2 và Bình Đường 3. Ngoài ra, Bưu điện TP.Dĩ An còn tiếp nhận thông tin nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân qua lực lượng bưu tá, qua điện thoại của các bưu cục giao dịch và chuyển hàng đến tận địa chỉ khách hàng yêu cầu. Ông Tuấn cho biết thêm, trong những ngày tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng kinh tế, UBND các phường và các đơn vị liên quan liên hệ với các nhà cung cấp tại các tỉnh thành khác để tìm kiếm thêm nguồn hàng và thiết lập thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Như vậy, cùng với kênh cung cấp hàng hóa tại chỗ của 1 TTTM, 3 siêu thị và hệ thống Cửa hàng Bách hóa xanh, Vinnmart+ trên địa bàn, việc cung ứng hàng hóa tại TP.Dĩ An sẽ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân. Tại TP.Thuận An, công tác vận chuyển hàng hóa, tổ chức các gian hàng phục vụ người dân cũng được vận hành chu đáo, Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 62 TTTM, ST, doanh nghiệp bán lẻ tham gia cung ứng hàng hóa. Hiện nay, UBND các xã, phường đã chọn địa điểm tập kết, cung ứng hàng hóa bình ổn trên địa bàn theo phương thức mỗi khu phố/ấp bố trí một địa điểm phù hợp về khoảng cách để thuận lợi cho nhân dân mua hàng. Đối với các khu vực cách ly, thành phố cũng đang giám sát việc nhập nguồn hàng để bày bán tại các Trung tâm Văn hóa thể thao của xã, phường. Như vậy, nguồn hàng hầu như có mặt ở nhiều nơi để phục vụ người dân. Ghi nhận cho thấy, các địa phương khác còn lại trên địa bàn tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng… cũng đang tập trung thực hiện kênh phân phối hàng hóa thiết yếu giá bình ổn vào các khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình đang gặp khó khăn tại địa bàn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Giá bình ổn Trước tình trạng các tiểu thương tại chợ truyền thống đồng loạt đẩy giá tăng bất hợp lý, các DN cung ứng nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương, triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá, bảo đảm nguồn hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn. Theo đó, trên khắp địa bàn tỉnh có hàng trăm điểm bán hàng bình ổn giá được đặt trong các khu dân cư. Các điểm bán hàng bình ổn giá bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận trong những ngày giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Thành Úy, cho biết với sự đa dạng nhu yếu phẩm được bày bán tại các điểm bán hàng bình ổn giá, người dân trở thành đối tượng trực tiếp được hưởng lợi. Trong thời gian tham gia bán hàng bình ổn, các đơn vị sẽ luôn bảo đảm cung ứng đầy đủ các sản phẩm, nhất là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống. Tại điểm bán hàng bình ổn giá, giá cả được niêm yết công khai, cam kết rẻ hơn thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm hàng hóa có cùng quy cách, chất lượng... Dự kiến kinh phí bình ổn giá hàng hóa thiết yếu trong và sau dịch bệnh Covid- 19 tại TP.Thuận An khoảng 53,41 tỷ đồng. “Với sự chủ động của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn góp phần bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa tốt nhất cho người dân trong suốt thời gian giãn cách xã hội”, ông Úy nói.
THANH HỒNG