Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó và nền kinh tế vẫn đang “nằm bẹp dưới đáy”! Đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vừa diễn ra tại Thừa Thiên - Huế.
Theo ông Thiên thì “các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn so với các năm trước”. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng chỉ đạt 6,5%; thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy; gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa, tương đương với số lượng năm trước, nhưng lại là những doanh nghiệp có thực lực; tổng cầu xã hội rất yếu, trong đó tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2012. “Điểm đen” của nền kinh tế được ông Thiên chỉ ra là đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước “vẫn nằm trên giấy”; tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo ngân hàng “vẫn còn nguyên”!
Không riêng ông Thiên mà theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất để “từ đáy” đi lên là phải nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất. Nếu không tái cơ cấu sẽ không giải quyết được vấn đề và nếu không hành động sớm một cách quyết liệt thì sẽ là quá muộn. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu là đúng, nhưng khi triển khai thực hiện thì méo mó, sai lệch; thực hiện tái cơ cấu thời gian qua chưa chạm đến những vấn đề mấu chốt.
Và, giải pháp được chỉ ra là cần tập trung ưu tiên cải cách (đổi mới lần hai), tập trung đột phá tái cơ cấu để tạo lòng tin thật sự cho thị trường. Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trước tiên cần tập trung tái cơ cấu một vài tập đoàn kinh tế, sau đó mở rộng dần ra, không nên tái cơ cấu tất cả doanh nghiệp cùng lúc vì chúng ta không đủ sức. Riêng việc tái cơ cấu ngân hàng, phải tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo; trước mắt ưu tiên cho vấn đề xử lý nợ xấu.
Nhận định và giải pháp đều đã có, vấn đề còn lại là quyết tâm của từng bộ ngành, địa phương và chính doanh nghiệp. Mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều “điểm đen” kinh tế chưa được giải quyết căn cơ nhưng một số địa phương trong nước vẫn “bình chân như vại” với tư duy kiểu cũ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”; thu không đạt nhưng vẫn giữ nguyên mức chi; cố tình khai khống khó khăn để được rót thêm ngân sách; báo cáo sai lệch bằng những con số đẹp!...
Riêng tại Bình Dương, con số tăng trưởng ấn tượng 10,8% trong 9 tháng qua cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu tất cả các địa phương trong nước đều tập trung cố gắng giải quyết những “điểm đen” kinh tế và đạt được con số tăng trưởng như Bình Dương, xem ra chuyện “vượt đáy” là không quá khó.
HÀN NGÂN