| 26-11-2024 | 16:44:37

Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II – Sự phát triển của sáng tạo số, AI và dịch vụ  

(BDO) Vào ngày 13 và 14-11-2024, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: “ Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.


Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số cùng lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trung bày tại diễn đàn. Ảnh: Minh Tiến

Đến tham dự diễn đàn có lãnh đạo Trung ương, các Bộ ngành , địa phương và cùng nhiều doanh nghiệp. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm mục đích cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ giải đáp những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Vào chiều cùng ngày, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị tỉnh Bình Dương diễn ra 3 phiên chuyên đề song song tập trung vào 5 lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, logistics. Trong đó, phiên chuyên đề “Sáng tạo số, AI và dịch vụ” thu hút nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên.


Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Tiến

Tại phiên chuyên đề 3 “ Sáng tạo số, AI và dịch vụ “ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh: “Ban tổ chức đã chọn chuyên đề Sáng tạo số, AI và dịch vụ” vì đây là yếu tố cốt lõi định hình tương lai. Trí tuệ nhân tạo, sáng tạo số không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn giúp doanh nghiệp có một bước đột phá vượt qua những rào cản khó khăn đang gặp phải.

Trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, có nhiều giải pháp ứng dụng tiếp xúc với khách hàng thông qua trợ lý ảo, hệ thống tự động để cá nhân hóa tốt hơn đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường.

Trong lĩnh vực quản trị, các giải pháp AI và sáng tạo số tiết kiệm chi phí, tăng cường tính chính xác và hiệu quả trong công việc. Rõ ràng sự đổi mới mạnh mẽ, định hướng đúng đắn sẽ không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là nền tảng để Việt Nam thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong thời kỳ chuyển đổi số.

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc nền tảng VNPT Generative AI – Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam chia sẻ những thách thức về nguồn lực phát triển AI tại Việt Nam bao gồm con người, dữ liệu, hạ tầng, trong đó chất lượng dữ liệu là vấn đề then chốt trong nghiên cứu AI, bởi 80% công việc nghiên cứu AI hiện nay là xử lý dữ liệu.

Hạ tầng dữ liệu hiện có ở Việt Nam mới ở mức sơ khai so với các quốc gia khác, việc chia sẻ dữ liệu còn gặp nhiều thách thức. Nhiều nguồn dữ liệu chưa được tập hợp, phân bố rời rạc, tính bảo mật, riêng tư của việc chia sẽ dữ liệu trong một số mô hình chưa được bảo đảm.

Bên cạnh đó, ông đã đưa ra nền tảng AI xử lý hình ảnh SmartVision dùng cho các Model AI trên lĩnh vực giao thông, an ninh. Nền tảng AI phân tích hành vi, cá nhân hóa trải nghiệm Smart UX. Nền tảng AI tự động hóa và phân tích cảm xúc cuộc gọi tạo ra giải pháp ứng dụng AI xử lý giọng nói để thấu hiểu cảm xúc khách hàng.

Trong phiên làm việc, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban chuyển đổi số - Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số nghành du lịch. Ông Huy cho rằng hiện nay, có rất nhiều phần mềm độc lập do các doanh nghiệp trong và ngoài nghành du lịch nghiên cứu, đưa vào sử dụng đã tạo thành “ma trận” sản phẩm khiến cho người dùng bối rối trong quá trình tiếp cận, sử dụng. Chính việc thiếu tính liên kết dữ liệu, kết nối giữa các nền tảng cũng là một thách thức lớn của chuyển đổi số. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, ông đã giới thiệu ứng dụng Mobifone Smart Travel Ecosystem liên kết dữ liệu từ nhiều nguồn giúp khách du lịch có thể đưa ra một lựa chọn tốt nhất về địa điểm thư giản, thưởng thức món ăn, giải trí,...

Ngoài ra, các diễn giả đến từ các lĩnh vực khác nhau cũng đã giới thiệu các ứng dụng về thực tế ảo VR360, bản đồ số, bảo tàng số trong lĩnh vực du lịch. Ứng dụng AI tạo ra trợ lý ảo tối ưu hóa dịch vụ khách hàng, ứng dụng AI trong tổ chức sự kiện thông minh hay Robot AI – Cuộc cách mạng công nghệ mang đến cơ hội và thách thức cho nghành dịch vụ….


Thảo luận, trao đổi giải đáp khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Minh Tiến

Nhìn chung, có thể thấy rằng các ứng dụng AI đã và đang mang lại những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, du lịch, bệnh viện, logistics… . Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc ứng dụng AI không chỉ là một lợi thế, mà đang dần trở thành yếu tố sống còn.

Các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Vì lẽ đó, điều này sẽ đặt ra không ít thách thức từ việc thay đổi tư duy lãnh đạo, cải tiến mô hình kinh doanh, đến nâng cao năng lực nhân sự giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Minh TiếnTrung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương

 

Chia sẻ