Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nghỉ tết dài ngày khiến nhiều trẻ em có xu hướng quen ngủ “nướng”, ngán trở lại trường học và nhiều biểu hiện lạ… khiến phụ huynh lo lắng. Nhiều phụ huynh cũng khá vất vả tìm cách điều chỉnh nề nếp sinh hoạt lại cho các con sau tết.
Những “cuộc chiến” với trẻ sau tết
Sau tết, bé Na (4 tuổi) đến trường với vẻ mặt buồn thiu vì đã quen được ngủ đến hơn 7 giờ và cả ngày quấn quít bên cha mẹ. Chị Huỳnh Thị Châu (mẹ của bé Na, ngụ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) than vãn, phải mất hơn 30 phút để thức con dậy vào buổi sáng đầu tiên trở lại trường. Nhìn con vẫn còn ngái ngủ và than mệt, chị Châu cũng hơi mủi lòng nhưng phải thức con dậy làm vệ sinh cá nhân để đến trường thì bản thân mới kịp giờ làm.
Cùng chung tình huống với chị Châu, chị Phạm Thị Kiều (ngụ tại phường An Bình, TP.Dĩ An) thấy con mình (bé Bảo) trở nên cáu gắt và khóc mếu nhiều hơn sau kỳ nghỉ tết dài ngày. Điều làm chị Kiều lo lắng hơn cả là sức đề kháng của bé Bảo yếu, trở lại trường học sẽ thường xuyên bệnh như trước. Trong khi đó, tuy không phải là học sinh mầm non, nhưng bé Khôi (7 tuổi, ngụ tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An) cũng tỏ ra rất mệt mỏi khi dậy sớm đi học trở lại vì trước đó đã theo cha mẹ trải qua hành trình dài về quê ăn tết.
Phụ huynh nên có hoạt động tập thể dục thể thao cho trẻ trong các kỳ nghỉ dài
Theo Ban Giám hiệu trường Mầm non Măng Non (TP.Thủ Dầu Một), ngày 30-1 (mùng 9 tết) có 77 bé vắng, đến ngày 1-2 thì có 30 bé vắng. Hiểu được tình trạng này, ở cấp học mầm non thường có 1 tuần ổn định sau tết để các phụ huynh và các bé trở lại nề nếp cũ. Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Xanh (TP.Thủ Dầu Một), cho biết 2 ngày đầu số lượng bé vắng khá nhiều, sau 2 ngày thì các bé đi học ổn hơn nhưng nhiều em vẫn quấy khóc. Theo cô Duyên, giai đoạn này các phụ huynh cố gắng cho bé ngủ sớm nhất có thể, nếu không bé sẽ ngủ không đủ giấc nên sẽ không hợp tác.
Không chỉ trẻ chán học, trầm buồn sau tết, mà thậm chí nhiều phụ huynh còn cảm thấy hụt hơi khi quay lại với công việc. Nguyên nhân bởi nhiều gia đình có quá nhiều hoạt động trong tết (trang trí nhà cửa đón tết, đi chúc tết người thân, họp mặt, du lịch…) và sinh hoạt “thả cửa”, như: Ngủ nướng, “cày” phim, ăn uống thoải mái… Do hoạt động, ăn uống, ngủ nghỉ không theo quy luật trong những ngày tết nên trẻ em và người lớn đều trở nên mệt mỏi hơn. Các kỹ năng và thói quen học tập, làm việc cũng bị lơi đi khiến chúng ta dễ trở nên chán nản khi quay trở lại cuộc sống thường nhật như trước đây.
Điều chỉnh trạng thái sẵn sàng
Bên cạnh nhiều gia đình khổ sở vì lo lắng tìm cách “hâm nóng” tinh thần học tập lại cho con, thì cũng có nhiều gia đình đã trở lại trạng thái sẵn sàng nên các bé đến trường đầy hứng khởi.
Để điều chỉnh tinh thần cũng như nề nếp sinh hoạt, các phụ huynh và nhà trường cần phối hợp, đồng hành cùng nhau để giúp các em nhanh chóng trở lại trạng thái sẵn sàng học tập. Theo cô Lê Thị Kim Út, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một, trước khi đi học lại vài ngày chúng ta nên làm công tác tư tưởng với con, cho con ngủ sớm hơn và thông báo ngày đến trường... để con chuẩn bị tâm thế kích hoạt thời gian biểu học tập trở lại.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý, các gia đình cũng nên chủ động kế hoạch ăn tết của gia đình, trong đó có những hoạt động nghỉ tết, chơi xuân của con theo hướng chất lượng, cần chú ý duy trì những thói quen lành mạnh trong thời gian nghỉ tết. Đặc biệt, phụ huynh vẫn nên có hoạt động tập thể dục; giới hạn thời gian ngủ nướng hoặc chơi game, xem phim quá mức; hạn chế ăn uống quá độ… Bản thân người lớn như phụ huynh, giáo viên cũng phải tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân mình trong những ngày tết. Nếu chúng ta đang cảm thấy quá tải với các hoạt động trong kỳ nghỉ lễ thì cần điều chỉnh hợp lý để có thể cân bằng và thực sự nghỉ ngơi bên cạnh người thân.
Để trẻ sớm thích nghi sau kỳ nghỉ tết dài, phụ huynh và giáo viên cần chủ động kết nối để đưa ra những hoạt động chào đón quay trở lại trường, tạo hứng khởi, tái kích hoạt lại những kỹ năng học tập của các em.
MINH HIẾU