Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Sáng tạo nghệ thuật luôn cần xuất phát từ cảm xúc, song để tác phẩm được công chúng đón nhận thì người sáng tác cần luôn học hỏi những cái mới và dám chấp nhận thay đổi…”, đó là chia sẻ của điêu khắc gia Nguyễn Hoài Huyền Vũ, thạc sĩ Mỹ thuật tạo hình - giáo viên bộ môn điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.
Nguyễn Hoài Huyền Vũ (bìa phải) tham gia trại sáng tác quốc tế được tổ chức tại Hồng Kông năm 2009. Ảnh: SONG ANH
Không khó để tìm ra nhà Huyền Vũ theo hướng dẫn của anh. Ngay từ hàng rào của ngôi nhà, tôi đã nhìn thấy rất nhiều những bức tượng, những tác phẩm nghệ thuật do chính anh sáng tác được bài trí khắp nơi. Bước chân vào nhà, chúng ta sẽ có một cảm giác vô cùng thư thái, dễ chịu, tựa như đang lạc vào một buổi triển lãm nghệ thuật điêu khắc hội họa sân vườn. Đây là không gian “triển lãm” của đôi “tình nhân” sáng tạo nghệ thuật ngay tại nhà.
Chúng tôi nói vậy bởi Huyền Vũ là một trong những nhà điêu khắc được các đồng nghiệp và đặc biệt những học trò trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương yêu mến, quý trọng bởi nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ. Vợ anh, một người con gái đất người Sài thành, vì yêu cái chốn thanh bình của miền “đất lành chim đậu” mà theo anh về làm dâu đất Thủ, để được sát cánh cùng anh để thỏa sức vùng vẫy trong niềm đam mê hội họa. Giờ đây, vợ chồng anh Huyền Vũ thật hạnh phúc, mãn nguyện bởi sự lựa chọn của họ. Nghệ thuật điêu khắc như chiếc cầu vồng bảy sắc, kết nối tình yêu và nâng cánh cho cảm xúc nghệ thuật của vợ chồng anh được thăng hoa.
Nguyễn Hoài Huyền Vũ, nhà điêu khắc sinh năm 1974, đã có một bảng thành tích kha khá những giải thưởng. Song trò chuyện với chúng tôi, anh không muốn đề cập nhiều đến những quả ngọt ấy. Anh nói sẽ thú vị hơn khi kể về chuyện nghề, chuyện đời.
Hoài Vũ chọn nghề giáo là vì muốn trực tiếp làm nghề, trực tiếp sáng tạo nghệ thuật và trên hết là trực tiếp mang kiến thức tích lũy của mình trao lại cho các thế hệ học trò. Có một lý do nữa để anh chọn bộ môn điêu khắc vì đây là môn nghệ thuật mang tính chất xã hội cao. Quá trình sáng tác là sự kết hợp ăn ý giữa người thầy và người thợ, nhằm cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Anh chia sẻ: “Để sự kết hợp đạt được kết quả tốt nhất thì điêu khắc gia ngoài chuyên môn vững vàng, họ còn phải hiểu được ngôn ngữ biểu cảm của các chất liệu làm nên tác phẩm như: đồng, đá gỗ…”. Anh còn chia sẻ thêm, để những tác phẩm nghệ thuật luôn mới mẻ, có sức hấp dẫn người xem, thì người làm nghề phải yêu nghề, phải có tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ, luôn tiếp cận với cái mới bắt nhịp với thế giới bên ngoài. Vì thế, họ cần đi nhiều, đọc nhiều, trải nghiệm nhiều và thưởng lãm nhiều tác phẩm trong và ngoài nước.
Quá trình sáng tác của Nguyễn Hoài Huyền Vũ là rất đáng nể phục, kể cả với giới trong nghề. Dường như anh có mặt ở hầu hết các triển lãm mỹ thuật ở Bình Dương, TP.HCM, khu vực và cả toàn quốc. Năm 2009, anh có dịp được tham gia vào trại sáng tác quốc tế với các đồng nghiệp từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông… Đây là dịp để anh nâng tầm thêm kiến thức, tìm kiếm những cái mới để bồi dưỡng cho quá trình tác nghiệp.
Chia tay chúng tôi, Nguyễn Hoài Huyền Vũ nói rằng những người làm nghệ thuật bằng tâm huyết như anh chỉ mong rằng sáng tạo của mình đến gần với công chúng, được công chúng đón nhận. Đó là thành công, là niềm hạnh phúc lớn nhất.
SONG ANH