Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cuối năm 2019, đình Nhựt Thạnh đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tính đến thời điểm này, đây là di tích được công nhận mới nhất trên đất Bình Dương...
Đình Nhựt Thạnh nhìn từ bên ngoài
Mái đình làng Việt
Đình Nhựt Thạnh (còn có tên gọi là Nhựt Thạnh cổ miếu) nằm trên địa bàn ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Đình được xây dựng trên một gò đất cao ráo, thoáng mát, đối diện với UBND xã Thạnh Hội.
Đình được nhân dân góp tiền lập nên vào khoảng năm 1848, là nơi thờ Thành hoàng bổn cảnh. Lúc đầu, đình được làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá, vách bằng nan tre, nền đất. Sau đó, bà con trong làng cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại với kiểu kiến trúc ba gian, hai chái. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ngôi đình ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa bị thực dân Pháp chiếm đóng dùng làm đồn bót hoặc là nơi phục vụ cho hoạt động quân sự của chúng. Vì vậy, bà con làng Nhựt Thạnh đã tháo dỡ ngôi đình. Sau này, khi chiến tranh tạm thời lắng xuống, dân làng mới dựng lại ngôi đình với những gì đã có sẵn. Đến nay, đình Nhựt Thạnh đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa mới có được bộ mặt khang trang như ngày nay. Thành hoàng bổn cảnh của đình được vua Tự Đức ban tặng sắc phong vào năm 1852. Sắc phong này vẫn được lưu giữ tại đình từ khi được ban đến nay. Theo Bảo tàng tỉnh, căn cứ vào sắc phong lưu giữ tại đình và các sử liệu có thể thấy đình Nhựt Thạnh được thành lập trong khoảng thời gian trước năm 1852.
Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình Nhựt Thạnh còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Theo ông Nguyễn Long Nha, Trưởng ban Quý tế đình Nhựt Thạnh, kể lại khu vực từ phía sau đình đến miếu Bà có nhiều hầm bí mật, là nơi ẩn náu của cán bộ, chiến sĩ tại địa phương, nhưng sau này để phục vụ cho việc cải tạo đất làm nông nghiệp nên hầm bí mật đã bị lấp.
Hiện nay, đình còn bảo tồn các nếp sinh hoạt văn hóa và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam. Đình Nhựt Thạnh hiện nay vẫn giữ và duy trì các nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam, như: Lễ kỳ yên (diễn ra vào ngày 15-2 âm lịch hàng năm), lễ hội kỳ bông (diễn ra ngày 15-8 âm lịch). Ngoài ra, vào dịp rằm hàng tháng, người dân quanh vùng thường đến thắp hương, dâng lễ vật cúng đình.
Về tổng thể kiến trúc, đình gồm các hạng mục chính: Cổng đình, bình phong, nhà túc và chánh điện. Chánh điện được xây theo lối kiến trúc kết hợp giữa ngôi nhà ba gian và nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch. Mặt tiền trang trí nhiều hình ảnh đẹp như rồng, hổ… và được cẩn nhiều dĩa gốm cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo, cổ kính của ngôi đình. Tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son, thếp vàng và cẩn ốc có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững lâu dài, xưng tụng công đức của tiền nhân và thần thánh. Cách trang trí chạm trổ trên các bao lam, đề tài qua hình tượng các linh vật (long, lân, quy, phụng) càng làm cho ngôi đình thêm phần tôn nghiêm, cổ kính. Điều đó cũng thể hiện được bàn tay khéo léo và sáng tạo của các nghệ nhân địa phương. Mặt tiền chánh điện được xây dựng hết sức tỉ mỉ, tinh tế và được xem là “bộ mặt” của cả ngôi đình.
Lưu giữ nhiều giá trị
Đình Nhựt Thạnh đã hình thành gần 200 năm trên vùng đất Bình Dương và mang đậm phong cách kiến trúc mỹ thuật của một ngôi đình Nam bộ xưa. Hệ thống các hoành phi, liễn đối được lưu giữ trong đình là nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến lịch sử của đình cũng như vùng đất cù lao Thạnh Hội. Thông qua hệ thống các cổ vật, nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc được biểu hiện một cách cụ thể và sâu sắc nhất. Có thể nói, đình Nhựt Thạnh là ngôi đình có bề dày lịch sử qua quá trình hình thành và phát triển trong công cuộc khẩn hoang, xây dựng làng xã, phát triển cư dân vùng đất này, đồng thời lịch sử tồn tại và phát triển của ngôi đình luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đình Nhựt Thạnh là nơi hoạt động cách mạng của người dân vùng đất cù lao. Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương, đình còn là nơi chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù.
Đình Nhựt Thạnh là nơi thờ Thành hoàng làng cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang mở đất, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã và xây dựng ngôi đình. Với lịch sử gần 200 năm tồn tại và phát triển, đình Nhựt Thạnh đã trở thành di tích chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được biểu hiện thông qua các di sản vật thể và phi vật thể hiện hữu trong đình. Đó là tài sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã hun đúc, gìn giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời. Theo Bảo tàng tỉnh, các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được lưu giữ trong đình Nhựt Thạnh là những di sản, là tiềm năng chủ yếu trong khai thác, phát huy giá trị phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục văn hóa truyền thống.
Từ những giá trị mà di tích còn lưu giữ, đồng thời để có phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng đình Nhựt Thạnh là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
HỒNG THUẬN - THANH DÂN