| 08-12-2022 | 07:57:22

Doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và phát triển

 Để vượt qua những khó khăn hiện hữu, Bình Dương nỗ lực cùng với doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, cũng như củng cố vị thế, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với giá thành cạnh tranh.

 TBS Group cùng với đội ngũ Reebok Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành văn phòng đại diện và Trung tâm R&D tại Việt Nam. Ảnh: CÔNG CHÁNH

 Nắm bắt cơ hội

Sản xuất gặp khó khăn, nhiều DN đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group), nghiên cứu phát triển (R&D) là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng bền vững của DN. Là một DN tiên phong trong ngành nghề sản xuất công nghiệp thời trang có giá trị xuất khẩu lớn, TBS Group luôn thấu hiểu được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Đầu tháng 12-2022, TBS Group cùng với đội ngũ Reebok Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành văn phòng đại diện và Trung tâm R&D tại Việt Nam. Với quy mô 4.600m2, Trung tâm R&D Reebok là một trong những Trung tâm R&D sản phẩm hiện đại bậc nhất hiện nay. Trung tâm được xây dựng trên nền tảng hệ thống tích hợp với hạ tầng kỹ thuật, từ đó đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất về sự nhanh chóng, sáng tạo, bắt kịp thậm chí dẫn đầu xu hướng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các thương hiệu hàng đầu thế giới. Đây là trung tâm thứ 7 của TBS Group.

Để hỗ trợ cho cho DN, TS Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) chia sẻ về định hướng kết nối chặt chẽ với DN nhằm đồng hành trong hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0. Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore tại EIU sẽ là nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp trong việc đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai. Mục đích là thúc đẩy sự chuyển đổi, nâng cấp liên tục của DN sản xuất với các hoạt động toàn diện thông qua giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và phát triển, giới thiệu công nghệ, đánh giá mức độ sẵn sàng và tư vấn để hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 phù hợp. Từ đó, giúp cải thiện năng suất và quy trình quản lý kinh doanh của DN.

Doanh nghiệp là hạt nhân

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần sáng tạo, vượt khó, đồng lòng của cả hệ thống chính quyền và người dân, Bình Dương từng bước khôi phục lại nền kinh tế, đạt được nhiều kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực. Đây chính là động lực giúp Bình Dương tiếp tục đồng hành cùng hệ sinh thái DN công nghiệp, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng theo các chương trình chiến lược đổi mới sáng tạo của tỉnh. Cũng theo ông Nguyễn Lộc Hà, thời gian tới các ngành, DN cần có cái nhìn toàn diện hơn về đầu tư nghiên cứu, đổi mới DN trong hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0, tạo lực đẩy cho phát triển sản xuất, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Cùng với đó gia tăng tỷ lệ các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đưa Bình Dương trở thành một trong những thành phố ứng dụng chuyển đổi số thành công trong cả nước. Đến năm 2040, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp công nghệ cao, trung tâm của sản xuất và dịch vụ thông minh, dịch vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương hướng đến mục tiêu thuộc nhóm các đô thị thông minh, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đáng sống trên cả nước.

 TIỂU MY

Chia sẻ