| 09-07-2024 | 16:21:00

Doanh nghiệp khoa học công nghệ đáp ứng xu hướng chuyển đổi số

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam coi phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng của quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội. 


Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Hưng Yên), dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, khả năng tham gia sâu chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ yêu cầu doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát huy vai trò đầu tàu trong ứng dụng, làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh, làm hình mẫu cho các loại hình doanh nghiệp khác.

Cần chính sách phù hợp thực tiễn

Theo số liệu từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2020, có khoảng 3.000 doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ so với số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ là rất thấp. Tính đến hết năm 2023, chỉ có 816 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt chứng nhận. Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 đưa ra mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Như vậy, con số 816 doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn rất khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đa phần đều chuyển đổi từ các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm đến định hướng khởi nghiệp, nguồn lực phát triển, cơ sở pháp lý, chính sách dành cho sự phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, ngay từ khâu đầu tiên đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp như: Doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học và công nghệ. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế, cho nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Để doanh nghiệp nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ khoa học và công nghệ.

Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Những nhà khoa học tự bỏ tiền, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm khoa học và công nghệ cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước...

Đồng hành cùng doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Tại buổi họp bàn về “Chính sách phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam” với Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là những doanh nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, mô hình hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu dựa vào việc tăng trưởng vốn và khai thác tài nguyên, đến nay đã không còn nhiều dư địa để phát triển.

 Chủ trương của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển đổi hướng phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, cũng như tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam là cần phải ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thứ trưởng Hoàng Minh cũng cho rằng, để các doanh nghiệp Việt Nam đi đầu, dẫn dắt, cần làm chủ được công nghệ, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và trở thành hình mẫu cho các doanh nghiệp khác học tập… Đây cũng là nhiệm vụ của ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và Thông tư 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định này cũng bộc lộ những vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong thực tế, chính sách chỉ tập trung vào việc cấp Giấy phép chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chưa có cơ chế và chính sách theo dõi, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khác, hoặc mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Để doanh nghiệp khoa học và công nghệ vươn lên thành đầu tàu dẫn dắt, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định cần thiết phải xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển, đúng với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm cùng thắng và cùng phát triển với doanh nghiệp. Do đó, cần tập trung vào việc xác định rõ vai trò, vị thế của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; cần tăng cường thảo luận, trao đổi về các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm đánh giá rõ những gì có thể thực hiện được ngay và những cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai trong tương lai.

“Trong mọi hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ không tách rời doanh nghiệp khoa học và công nghệ với chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Bộ Khoa học và Công nghệ luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng như trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, của Bộ là phải xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định.

Theo TTXVN

Chia sẻ