Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh mong muốn các chính sách tín dụng triển khai nhanh, lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các ngân hàng thương mại đang tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Chi nhánh Bình Dương
Hỗ trợ khách hàng vượt khó
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy… từ đó ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng. Trước tình hình này, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất vay gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng với số tiền được miễn, giảm lãi 1.188 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23- 1-2020 đến cuối tháng 9-2021 đạt 223.000 tỷ đồng, với 13.000 khách hàng còn dư nợ.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, công tác triển khai hỗ trợ tín dụng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mong chờ giảm thêm lãi suất
Thời gian qua, với những chính sách, chế độ ưu đãi từ các ngân hàng, nhiều DN đã và đang được thụ hưởng, phần nào giúp DN giải quyết khó khăn về tài chính, dòng tiền nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ý kiến của các DN, mỗi ngân hàng lại có chính sách khác nhau, nhất là không có sự thống nhất trong công tác thẩm định, cho vay tín dụng để áp dụng chung cho tất cả các đối tượng DN.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho biết trước đây công ty đã từng được vay có tài sản bảo đảm trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Đầu năm 2021 giá trị tài sản bảo đảm thế chấp chỉ còn 610 tỷ đồng. Sau khi thẩm định giá, hạn mức cho vay chỉ còn 400 tỷ đồng. Nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, từ khi bắt đầu dịch bệnh tháng 4-2021 đến nay DN chỉ được nhận nợ 200 tỷ đồng. “Khoản vay thấp khiến DN không tính toán được kế hoạch kinh doanh, trong khi một loạt các chi phí như thuê nhà xưởng, tiền điện nước, trả tiền lương công nhân, nguyên liệu đã đè nặng lên “đôi vai vốn rất yếu ớt” của DN. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải vay vốn ngân hàng tiếp tục nhưng vẫn không được đáp ứng”, ông Nghĩa cho biết. Vị giám đốc này mong rằng, các ngân hàng thương mại sẽ có chính sách thỏa đáng trong giải quyết vay vốn tín dụng để giúp DN vượt khó.
Đồng quan điểm, ông Trần Thành Trọng, đại diện các hiệp hội các DN tỉnh cho biết vài tháng nay, do phải “án binh bất động”, DN các ngành nghề tạm ngưng hoặc ngưng sản xuất hoàn toàn nên không có thu nhập, trong khi vẫn phải trả ngân hàng lãi vay và gốc đúng hạn khiến DN rất khó khăn về dòng tiền. Theo ông Trần Thành Trọng, đối với hiệp hội vận tải qua thời gian giãn cách các phương tiện không sử dụng nên giá trị tài sản bảo đảm bị định giá thấp hơn. Trong khi đó để được vay mới hoặc tái cơ cấu, DN phải đáp ứng yêu cầu bổ sung tài sản. Điều này rất khó cho DN khi tài sản đang bị định giá thấp. Vì vậy, ngân hàng cần xem xét cho vay giữ nguyên giá trị tài sản bảo đảm trong thời gian ảnh hưởng Covid-19 ít nhất là 6 tháng.
Tương tự, ông Vũ Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, thời gian qua các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tuy nhiên vẫn chưa đủ so với những khó khăn của DN. Ông Thành kiến nghị NHNN sớm có gói hỗ trợ lãi suất cho vay với quy mô 2 tỷ USD thì mới có đủ lực tác động giảm lãi suất hỗ trợ cho các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
THANH HỒNG