Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Khi Pita Limjaroenrat ra tranh cử, ít người tin rằng doanh nhân 42 tuổi này có thể chiến thắng, nhưng kết quả kiểm phiếu đã làm rung chuyển chính trường Thái Lan.
Số liệu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) tổng hợp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 cho thấy đảng Move Forward của ông Pita Limjaroenrat đang dẫn đầu với 151 ghế nghị sĩ tại Hạ viện, nhiều hơn đảng Pheu Thai 10 ghế.
Pita, 42 tuổi, hôm nay tuyên bố chiến thắng và thành lập liên minh 6 đảng, trong đó có Pheu Thai, để nắm quyền và đặt mục tiêu trở thành thủ tướng. Pheu Thai nhất trí liên minh với Move Forward, nhưng chưa thống nhất được việc ai sẽ ngồi vào ghế thủ tướng tương lai. Dù vậy, kết quả bầu cử vẫn gây ra cơn địa chấn trong chính trường Thái Lan, khiến Pita trở thành ngôi sao vụt sáng.
Pita Limjaroenrat sinh ngày 5/9/1980, là con trai cả của Pongsak Limjaroenrat, cựu cố vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, người sau này sáng lập Agrifood, công ty kinh doanh dầu cám gạo. Pita cũng là cháu trai Padung Limjaroenrat, cựu thư ký Bộ trưởng Nội vụ và cố vấn thân cận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Ông từng du học ở New Zealand, rồi trở về Thái Lan học bằng cử nhân tài chính tại Khoa Thương mại và Kế toán thuộc Đại học Thammasat. Năm 2002, ông tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận học bổng của Đại học Texas ở Austin, Mỹ.
Sau đó, ông trở thành sinh viên Thái Lan đầu tiên nhận học bổng của Đại học Harvard. Pita tốt nghiệp bằng thạc sĩ chính sách công tại trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ.
Năm Pita 25 tuổi, khi vừa bắt đầu chương trình thạc sĩ ở Mỹ, ông phải trở về Thái Lan để tiếp quản vị trí giám đốc điều hành của Agrifood, vốn đã sa sút sau khi cha ông bất ngờ qua đời. Hai năm sau, Agrifood lấy lại được vị thế, cho phép Pita trở lại Mỹ hoàn thành khóa học và lấy bằng thạc sĩ năm 2011.
Tháng 12/2012, ông kết hôn với nữ diễn viên Chutima Teepanart, có một con gái, nhưng hai người ly hôn vào tháng 3/2019. Pita từng làm giám đốc điều hành của Grab Thái Lan từ năm 2017 tới 2018.
Ứng viên Pita Limjaroenrat tại sự kiện vận động tranh cử ở Bangkok, Thái Lan ngày 22/4.
Từ một doanh nhân, Pita bắt đầu tham gia chính trị với tư cách thành viên đảng Future Forward. Theo lời mời của lãnh đạo đảng Thanathorn Juangroongruangkit, ông chấp nhận đề nghị trở thành ứng viên của đảng trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan năm 2019 và giành một ghế trong Hạ viện.
Tháng 7/2019, ông có bài phát biểu tại Hạ viện, thảo luận về "Lý thuyết 5 nút", kêu gọi chính phủ tập trung vào chính sách nông nghiệp như quyền sở hữu đất đai, nợ của nông dân, cần sa, du lịch nông nghiệp và tài nguyên nước. Dù Pita thuộc đảng khác, bài phát biểu của ông đã được Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paochinda trong chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khen ngợi.
Hai tuần sau khi đảng Future Forward bị giải tán theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan vì sai phạm luật bầu cử vào đầu năm 2020, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng mới Move Forward, trong đó có 54 nghị sĩ của Future Forward.
Dù mới thành lập năm 2020, Move Forward kế thừa nền tảng ủng hộ đông đảo của Future Forward, kết hợp với sự năng nổ của Pita để tạo nên "địa chấn" trong tổng tuyển cử ngày 14/5.
Pita đã hoạt động tích cực trong chiến dịch tranh cử, tận dụng sức trẻ và năng lượng dồi dào của mình để tiếp cận các cử tri trẻ, vốn khao khát thay đổi nền chính trị Thái Lan sau 8 năm chịu ảnh hưởng lớn của quân đội.
"Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại lịch sử chính trị Thái Lan. Bỏ phiếu cho Move Forward và Thái Lan sẽ thay đổi", ông nói với người ủng hộ tại Bangkok tuần trước.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên ở Bangkok năm 2020. Những người trẻ tham gia biểu tình yêu cầu kiềm chế quyền lực và kiểm soát chi tiêu của hoàng gia, vi phạm luật khi quân vốn được chính quyền quân sự thi hành quyết liệt.
Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định mức tù 3-15 năm đối với tội khi quân, được định nghĩa là mọi trường hợp "bôi nhọ, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc thái tử phi".
Forward Move là đảng duy nhất hứa hẹn cải tổ luật khi quân, dù đây từ lâu được coi là chủ đề "cấm kỵ" trong chính trường Thái Lan. Ngay cả đảng Pheu Thái cũng cho biết họ sẽ để vấn đề này cho quốc hội quyết định.
Nhưng Pita không thể hiện thái độ né tránh như vậy. Ông nói với các phóng viên rằng "bất kể thế nào, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy cải cách luật khi quân".
Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định sự quyết liệt này của Pita đã giúp ông thu phục các cử tri trẻ, giúp họ vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử. Cương lĩnh cải cách mạnh mẽ của đảng Move Forward cũng giúp họ giành được gần như toàn bộ 33 ghế nghị sĩ đại diện thủ đô Bangkok, kết quả mà những người lạc quan nhất trong đảng cũng khó hình dung được trước ngày 14/5.
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ kết quả bỏ phiếu sơ bộ, giới quan sát cho rằng con đường trở thành thủ tướng Thái Lan của ông Pita sẽ không dễ dàng. Đảng Pheu Thái nhất trí liên minh với Move Forward, nhưng chưa chấp thuận để ông làm ứng viên thủ tướng.
Trước cuộc bầu cử, đảng Palang Pracharath thân quân đội đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử, cáo buộc Pita không công khai đầy đủ tài sản khi tranh cử. Dù ông tuyên bố rằng không làm điều gì trái pháp luật, những cáo buộc như vậy có thể phần nào cản trở con đường đến với ghế thủ tướng.
Thanathorn, lãnh đạo đảng Future Forward, tiền thân của đảng Move Forward, từng rơi vào rắc rối pháp lý tương tự sau cuộc bầu cử năm 2019. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Thanathorn trước kỳ họp lưỡng viện bầu thủ tướng, trước khi ra phán quyết giải thể Future Forward.
Tuy nhiên, Pita vẫn là ứng viên được nhiều cử tri Thái Lan yêu mến và đặt kỳ vọng.
"Ông ấy chính là tương lai", một người ủng hộ tại Bangkok nói.
"Tôi thực sự tin tưởng ông ấy", một người khác nói.
Theo VNE