| 13-10-2022 | 08:02:45

Doanh nhân Bình Dương: Bản lĩnh, trách nhiệm, vững vàng hội nhập

Cộng đồng doanh nhân Bình Dương đã thể hiện bản lĩnh vượt qua khó khăn, hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh đầy sáng tạo; chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số… đưa doanh nghiệp (DN) phát triển vững vàng, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương tham dự lễ khởi công các dự án nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tạo giá trị mới

Bình Dương là một trong các địa phương phát triển mạnh trong tiến trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, cộng đồng DN, doanh nhân của tỉnh có sự lớn mạnh không ngừng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên thực tế, thời gian qua DN của Bình Dương đã đứng vững trước những biến cố của đại dịch Covid-19 và những tác động sâu sắc của “làn sóng” toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình, khẳng định nhờ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng, trúng của Chính phủ và địa phương, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều DN đã thích ứng và vực dậy, nắm bắt những cơ hội mới để phát triển. Từ đó, giúp năng lực của đội ngũ doanh nhân là chủ các DN cải thiện rõ rệt. “Trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, các DN phải đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Với một cộng đồng đầy khát vọng vươn lên, tôi tin rằng, DN tỉnh nhà nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng nên một Bình Dương phát triển, thịnh vượng”, ông Thuấn tin tưởng.

“Thương trường như chiến trường”, các doanh nhân ngày càng nhận thức rõ sứ mệnh của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tích cực đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương. Là cánh chim đầu đàn trong ngành gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, cho rằng nhận về mình sứ mệnh của những người tiên phong có nghĩa là “dám nghĩ, dám làm”, biết cách biến “nguy” thành “cơ”, dấn thân trước rất nhiều thách thức. “Điều kiện tiên quyết là phải nâng cao năng lực cốt lõi để sản xuất được hàng hóa và dịch vụ chất lượng tốt. Bản thân các doanh nhân cũng cần tự đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị DN, đi đầu trong chuyển đổi số. Doanh nhân cần nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng để tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp, tìm kiếm thị trường nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho Nhà nước”, ông Huỳnh Quang Thanh nói.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 58.290 DN, tăng 5,1 lần so với năm 2011 (tăng từ 11.469 lên 58.290 DN), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 19,7%/năm, cao nhất trong khu vực. Tổng vốn đăng ký của các DN ngoài Nhà nước từ 162.061 tỷ đồng (năm 2011) tăng lên 681.777 tỷ đồng (năm 2020).

Không chỉ tích cực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để cải thiện thu nhập cho người lao động, các DN còn tích cực đóng góp vào ngân sách Nhà nước và chia sẻ với cộng đồng. Ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (KCN Bàu Bàng), cho rằng Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt, hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Lãnh đạo tỉnh luôn có định hướng kết nối vùng để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của DN. “Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Dương. Và đó cũng là lý do chúng tôi đã quyết định mở rộng, tăng gấp đôi quy mô sản xuất tại KCN Bàu Bàng. Chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của DN đối với việc chăm lo đời sống người lao động và thực hiện các định hướng phát triển bền vững của tỉnh”.

Ông Yeh Ming Yuh cho biết thêm, hiện công ty đang phối hợp với các sở ngành để giải quyết nhanh thủ tục đất đai trên phần đất thuê để xây dựng khu ký túc xá cho công nhân. Đồng thời công ty cũng đề xuất các ngành tạo điều kiện hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ đầu tư điện mặt trời với công suất 10MW đáp ứng phần nào yêu cầu sản xuất, bảo đảm sử dụng nguồn năng lực tái tạo, phát triển theo hướng xanh, bền vững như mục tiêu mà tỉnh đặt ra.

Nuôi dưỡng nguồn lực

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, trong giai đoạn mới, DN cần nỗ lực lớn trong việc nâng cao kiến thức về pháp luật liên quan đến ngành hàng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, DN tăng cường liên kết gia tăng sức mạnh, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, tạo dựng chỗ đứng trên thị trường.

Xu hướng phát triển xanh, bền vững được các doanh nghiệp Bình Dương quan tâm, học hỏi. Trong ảnh: Doanh nhân, nhà đầu tư tham dự phiên đối thoại trước xu hướng toàn cầu hóa tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis vừa diễn ra tại Bình Dương

Để hiện thực khát vọng này, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, cộng đồng DN Bình Dương và đội ngũ doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật kinh doanh, nâng cao trình độ, kinh nghiệm trong quản lý, tính chuyên nghiệp; linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong cạnh tranh và hội nhập, từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức trong kinh doanh, cũng như tạo thêm sự liên kết phát triển chặt chẽ giữa các DN.

Bên cạnh sự nỗ lực từ cộng đồng DN, các cấp chính quyền cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính; thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính của doanh nhân. q

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Cấp ủy và chính quyền các cấp đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, doanh nhân; tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Công tác quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, có bước đột phá tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, DN phát triển. Mối quan hệ trong DN, giữa cộng đồng DN với các hiệp hội DN, các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực”.

TIỂU MY

Chia sẻ