Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc, đôi bạn Hà Thế Anh (phường Phú Lợi) và Trần Quốc Hưng (phường Hiệp Thành) đã gắn bó với nhau hơn 10 năm, cùng tham gia và hỗ trợ giảng dạy nhạc kèn cho các bạn thiếu nhi có năng khiếu nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương.
Cùng sinh năm 1992, đôi bạn còn có nhiều điểm chung thú vị khác nữa là cùng sống tại TP.TDM, cùng chung niềm đam mê cháy bỏng về nhạc kèn. Mặc dù bận rộn với các hoạt động tại giảng đường đại học, nhưng hai bạn luôn sắp xếp thời gian để mỗi buổi tối, đặc biệt là vào thứ bảy và chủ nhật đến Nhà Thiếu nhi tỉnh cùng các bạn nhỏ thổi lên những bài quốc ca, đội ca, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Em là chiến sĩ Điện Biên, Bình Dương cất cánh bay lên…
Thế Anh (bìa trái) hỗ trợ đội kèn Nhà thiếu nhi tỉnh
Quốc Hưng chia sẻ: “Người chơi kèn không chỉ phải có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, có năng khiếu và tính kiên nhẫn cần cù, mà đòi hỏi phải có nội lực, sức khỏe tốt thì mới thổi nên những cung bậc âm nhạc thật chuẩn xác và tình cảm. Nhạc cụ đầu tiên cho người mới học bao giờ cũng là kèn trumpet. Những ngày mới học thì không được cầm kèn thổi, mà chủ yếu phải làm quen với búp kèn, tập đánh lưỡi, xử lý luồng hơi, điều chỉnh khẩu hình miệng”.
Trải qua thời gian khổ luyện hơn 6 tháng, đôi bạn Quốc Hưng và Thế Anh cùng Đội nhạc kèn Nhà Thiếu nhi tỉnh lần đầu tiên tham gia Liên hoan “Tiếng kèn đội ta” tổ chức tại tỉnh Kiên Giang năm 2004. Ấn tượng về những tay kèn, tay trống biểu diễn rất điệu nghệ tại liên hoan đã thôi thúc các bạn quyết tâm theo đuổi nhạc kèn và phát triển đội ngày càng tiến xa cả về lượng lẫn chất.
Theo đó, cả đội luyện tập ngày càng hăng say, Quốc Hưng và Thế Anh cũng biết sử dụng thêm kèn trumbo, baritone và liên tiếp đạt thành tích cao, khẳng định vị trí của Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương trong các lần tham gia liên hoan “Tiếng kèn đội ta” cấp khu vực.
Theo thời gian cả đội cũng lớn lên và áp lực bài vở dành cho học sinh cuối cấp ở trường cũng tăng nên số lượng thành viên kỳ cựu giảm mạnh và các thành viên mới được tuyển vào. Quốc Hưng và Thế Anh cũng gia giảm cường độ tập luyện, tập trung cho việc học văn hóa ở trường. Sau này khi cả 2 cùng đậu đại học, Quốc Hưng học ngành tài chính - ngân hàng tại Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Thế Anh học ngành tín dụng tại Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương nhưng tình bạn và niềm đam mê nhạc kèn không hề suy giảm.
Được sự tín nhiệm của thầy Bùi Đình Huy (công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương) và Nhà Thiếu nhi tỉnh, đôi bạn thân này trở thành trợ giảng của đội, tiếp lửa đam mê cho các bạn nhỏ về nhạc kèn qua những buổi học ban đêm và thứ bảy, chủ nhật.
THỤC VĂN