| 06-06-2022 | 10:03:07

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu đề dẫn tại Hội thảo chuyên đề: Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để nâng cao khả năng thích ứng của kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng" trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/6.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu vấn đề Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển khó lường và khó dự báo, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại đã làm cho vấn đề tự cường trong phát triển được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, những thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế có thể có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh và khó lường tới việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm.

Về chuyển đổi số, tính đến hết quý 1/2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành tài chính-ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả phân tích cho thấy, nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Bên cạnh đó, hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% tổng số bằng được cấp tại Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu: nguồn cung khoa học-công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học-công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý, chính sách của Nhà nước.

Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng phân tích trong những năm gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc đến mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào đổi mới khoa học và công nghệ.

Ở góc độ sản xuất công nghiệp, cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi tư duy, cách thức sản xuất và tổ chức lại các chuỗi sản xuất – giá trị của các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên quy mô toàn cầu.

Với một nền kinh tế có độ mở ngày càng cao, Việt Nam không tránh khỏi tác động của cách mạng công nghiệp này đến các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế; trong đó có các hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất công nghiệp. Phản ứng phòng dịch của nhiều Chính phủ các quốc gia đã làm gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại chuỗi cung ứng, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.

Sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 là một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với Việt Nam, những thay đổi trong cách thức vận hành của nền kinh tế và thị trường toàn cầu dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội cho ngành công thương.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ. Điều này nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa.

Có thể thấy rằng mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, đảm bảo vừa xây dựng nội lực trong nước về công nghệ sản xuất nền tảng, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất. Từ đó, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ sở hình thành chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng không chỉ là cơ hội, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Chia sẻ về xu hướng phát triển chuỗi cung ứng, Tiến sỹ Elisabetta Gentile, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới gần đây đang chậm lại, ở một số thời điểm thậm chí còn dừng hẳn. Đây là thực tế hiển nhiên, các quốc gia cần nhận thức rõ không có xu hướng nào tiếp diễn mãi.

Một phần sự chậm lại trong xu hướng toàn cầu hóa là do ảnh hưởng từ những cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới gần đây, những xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine…

Việc toàn cầu hóa bị suy giảm đang thúc đẩy xu hướng khác phát triển phổ biến hơn đó là "khu vực hóa" của chuỗi cung ứng. Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy và có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền cho toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong cùng khu vực có xu hướng tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi cung ứng mới để giảm những tác động tiêu cực từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như giúp các chuỗi cung ứng dễ khôi phục hơn.

Theo Tiến sỹ Elisabetta Gentile, một xu hướng khác trong việc định hình các chuỗi cung ứng là vai trò của các tài sản vô hình bao gồm thương hiệu, các khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chiến lược marketing… ngày càng quan trọng. Những giá trị này có tính linh động và có thể đi "xuyên biên giới," tạo ra thu nhập cho người lao động, nhưng dữ liệu thương mại truyền thống thời gian qua chưa đánh giá được những tài sản này.

Việc Việt Nam đề cập đến đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho thấy ý thức về vấn đề này, việc đa dạng hóa rất là quan trọng vì nó giúp tránh được sự đỗ vỡ ở quy mô lớn khi có sự cố xảy ra đối với chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị toàn cầu.

Để khai thác tốt hơn những giá trị mà chuỗi cung ứng mang lại, Việt Nam cần đánh giá đúng vai trò của cũng như đầu tư cho việc phát triển thương hiệu, nghiên cứu sáng tạo và có chiến lược marketing hiệu quả.

Bên cạnh đó là cân nhắc nhiều hơn đến "khu vực hóa" chuỗi cung ứng, tận dụng tốt mối quan hệ với các đối tác trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định hơn. Với các nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, số hóa mà Việt Nam đang xây dựng, phải đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tạo ra cơ hội cho tất cả doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới đó, giúp chuyển đổi số và số hóa hiệu quả hơn, Tiến sỹ Elisabetta Gentile khuyến nghị./.

Theo TTXVN

Chia sẻ