| 10-12-2022 | 08:46:26

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị cho hàng Việt

Thời gian qua, với phương châm đổi mới hoạt động xúc tiến đã tạo được sự gắn kết, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp (DN) tham gia một số chương trình mang tính khu vực hoặc quốc gia... từ đó, hỗ trợ được hiệu quả hơn cho cộng đồng DN trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến, thu mua và phân phối hàng hóa, phát triển thị trường góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), xuất khẩu.

Nâng cao hiệu quả

Từ đầu năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động giao thương trở lại sôi động, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được chuẩn bị kỹ hơn, triển khai bài bản hơn. Đáng chú ý là đa số các hoạt động XTTM được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến nhằm phát huy các lợi thế của hoạt động gặp gỡ giao thương trực tiếp theo truyền thống, đồng thời khai thác tối đa các ưu thế của hình thức XTTM qua môi trường số. Từ đó, hỗ trợ DN kịp thời nắm bắt thông tin cập nhật về thị trường, về nhu cầu khách hàng, quy định xuất nhập khẩu để có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc tìm kiếm khách hàng, xây dựng và duy trì quan hệ khách hàng, nâng cao hiệu quả XTTM cho DN.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết thời gian qua ngành công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm địa phương nhằm hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất nâng cao năng lực về thị trường, khách hàng, tăng cường thêm nhãn quan về các xu thế tiêu dùng để từ đó có thể điều chỉnh sản xuất và thích ứng sản phẩm.

Các đơn vị sản xuất của Bình Dương tham gia kết nối cung cầu tại Bình Dương EXPO 2022

“Chúng tôi tạo điều kiện cho các đơn vị SXKD nắm bắt nhu cầu kết nối giao thương, xúc tiến bán hàng, nắm bắt thông tin các thị trường trên cả nước, nhằm đưa hàng Việt có vị thế tốt hơn ngay chính thị trường trong nước, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa, nhất là hàng hóa có chất lượng do chính hợp tác xã, DN trong nước sản xuất”, ông Phạm Thanh Dũng cho biết.

Đặc biệt, ngành công thương cũng từng bước hỗ trợ DN ứng dụng chuyển đổi số trong SXKD và xúc tiến sản phẩm. Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng), đánh giá: “Khả năng và kỹ năng XTTM của các hợp tác xã còn hạn chế, hầu hết cán bộ, nhân viên đều xuất thân và học tập trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, việc được tiếp cận những thông tin quý giá về hệ sinh thái XTTM và XTTM đa kênh, được tiếp cận những thông tin thị trường đến từ các nhà mua đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Hy vọng sẽ có nhiều những sự kiện tương tự diễn ra trong thời gian tới”.

Ông Phạm Thanh Dũng khẳng định trong thời gian tới, xác định hoạt động kết nối cung cầu là một phần không thể thiếu để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ DN phục hồi SXKD, Sở Công thương và các DN tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình hợp tác thương mại thông qua việc hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua các kênh truyền thống, định hướng và đẩy mạnh kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích DN hỗ trợ, phân phối, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc… Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP…

Trao đổi với chúng tôi tại Hội nghị kết nối cung cầu Bình Dương EXPO 2022, đại diện siêu thị khẳng định: Với mong muốn phát triển bền vững tại Việt Nam, Tập đoàn Central Retail luôn cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Do đó, Central Retail không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng ngành công thương và các địa phương trong các hoạt động kết nối giao thương một cách hiệu quả, thiết thực nhất. Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam thông qua thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, Central Retail đang nỗ lực đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho hàng Việt.

Chuẩn bị tốt cho xuất khẩu

Theo đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp với nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, thương lượng giảm giá. Trước các thay đổi này DN cần điều chỉnh phương pháp XTTM trực tiếp kết hợp trực tuyến phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở công thương, cho biết ngành công thương nỗ lực hỗ trợ cho DN, hiệp hội ngành hàng cập nhật, phổ biến kiến thức về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quan trọng có tầm ảnh hưởng sâu, rộng như Hiệp định EVFTA và UKVFTA; cùng với các quy định quốc tế và trong nước về quy trình, thủ tục thực hiện công tác phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức, viên chức, người dân, DN, hiệp hội ngành hàng cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại trên thương trường quốc tế…

Đặc biệt, đối với các DN xuất khẩu cần xây dựng hình ảnh, sự hiện diện quốc gia, thương hiệu ngành hàng gắn với tính bền vững, trách nhiệm của công ty về kinh doanh xuất khẩu vào trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Trong thương mại quốc tế, có nhiều thay đổi liên quan đến an toàn sản phẩm, chất lượng nên cần tăng cường các hoạt động trao đổi, đào tạo, hội thảo, cập nhật các thay đổi trong quy định và yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sức lan tỏa công tác xúc tiến cho DN.

TIỂU MY - THẠNH MỸ

Chia sẻ