| 22-05-2019 | 08:36:43

Đôi tay tài hoa

 Từ những miếng ván ghép lại, qua bàn tay điêu khắc của thầy Nguyễn Đình Trí (SN 1968), giáo viên trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương đã trở thành chiếc đèn kéo quân bằng gỗ đẹp mắt. Đó cũng là tác phẩm thầy Trí sử dụng để tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Bình Dương năm 2019 và đạt giải nhất nhóm nghề văn hóa - mỹ thuật.

 Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Dương, với nghề truyền thống điêu khắc, chàng thanh niên năm nào đam mê nghề và quyết tâm theo học nghề. Từ niềm đam mê đó, anh đã đăng ký học nghề tại trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương. Tốt nghiệp trung cấp, anh tiếp tục học lên Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, anh trở lại ngôi trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật giảng dạy với mong muốn truyền đạt kiến thức, niềm đam mê nghề cho thế hệ trẻ để lưu giữ nghề điêu khắc của Bình Dương.

 Thầy Nguyễn Đình Trí với thiết bị dự thi tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2019

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, không chỉ thực hiện tốt vai trò “người đưa đò”, thầy còn tham gia các cuộc thi điêu khắc, mỹ thuật của tỉnh và đạt các giải thưởng. Mới đây nhất, ở Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh, thầy đã xuất sắc đạt giải nhất với thiết bị “Mô hình hướng dẫn thực hiện chạm lộng”. Thiết bị này thầy sử dụng những máy móc sẵn trong trường như khung xoay, gỗ, đồ chạm khắc. Thầy Trí tâm sự, trước đây các em học chạm chỉ chạm từng mặt chiếc đèn kéo quân, sau đó lắp ráp lại, nay thầy chỉ cho các em cách chạm 4 mặt cùng một lúc nhờ khung xoay. Đặt đèn lên khung xoay, các em có thể vừa chạm nhanh, vừa quan sát được các mặt của đèn để chỉnh sửa cho phù hợp.

Cũng từ những thủ thuật đơn giản, thầy Trí đã truyền đạt đến học sinh cách chạm gỗ nhanh, đơn giản nhất. “Giáo viên dạy nghề khác giáo viên dạy văn hóa ở chỗ phải cho các em thực hành nhiều. Chính vì vậy, bản thân phải nghiên cứu đưa ra các thiết bị dạy nghề tự làm để học sinh dễ hiểu nhất”, thầy Trí tâm sự.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ