| 09-12-2023 | 17:58:03

Động lực công nghệ thông tin…

Cuối tháng 11 vừa qua, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã tổ chức hội thảo để góp ý cho dự thảo đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là các địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, những nơi có nhiều lợi thế, cơ hội để phát triển công nghiệp CNTT…

Tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, cho biết vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành phố thì có đến 3 tỉnh, thành phố nằm trong top 10 địa phương có doanh thu công nghiệp CNTT lớn nhất cả nước, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. 3 địa phương này chiếm đến 97,7% doanh thu công nghiệp CNTT của vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, theo tính toán, vùng Đông Nam bộ xếp thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trong doanh thu công nghiệp CNTT và mới chiếm khoảng 11,7% doanh thu công nghiệp CNTT của cả nước. Mức doanh thu này là chưa tương xứng tiềm năng của vùng khi Đông Nam bộ có số lượng doanh nghiệp CNTT rất lớn.

Tại hội thảo, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông đã trình bày dự thảo đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, một trong những quan điểm phát triển quan trọng trong dự thảo đề án này là các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sẽ phát triển công nghiệp CNTT trên cơ sở liên kết của cả vùng Đông Nam bộ. Cùng với đó, TP.Hồ Chí Minh có vai trò vùng lõi của nghiên cứu - phát triển công nghệ, tập trung các hoạt động sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng, dịch chuyển các hoạt động sản xuất ở quy mô công nghiệp ra các tỉnh.

Các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí, có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh. Điều này làm nền tảng mạnh mẽ cho việc thu hút các doanh nghiệp CNTT và dịch vụ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp CNTT và hạ tầng số. Trong đó, việc thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuyển đổi số hạ tầng các khu công nghiệp sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, gia tăng tỷ lệ về tự động hóa, phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghệ số… Từ đó, phát huy những lợi thế, cơ hội để phát triển công nghiệp CNTT của các địa phương trong khu vực.

KHẢI ANH  

Chia sẻ