| 15-03-2021 | 08:33:47

Đột phá xây dựng thành phố thông minh thời kỳ mới

Kỳ 1: Quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị thông minh

Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương xác định rõ Đề án Thành phố thông minh (TPTM) sẽ được đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá. Đề án tiếp tục giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, có chiều sâu hơn, trong đó chú trọng tập trung thực hiện quy hoạch và xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Nền tảng cơ bản

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm 2016 Bình Dương đã hợp tác cùng TP.Eindhoven - Hà Lan triển khai Đề án TPTM, một đề án đột phá hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị năng động, sáng tạo, đáng sống. Với mô hình 3 nhà, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), thời gian qua đề án đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương, đặt những nền tảng cơ bản, đưa tỉnh nhà lên một vị thế mới trên trường quốc tế.

Tháng 2-2021, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (Smart21). Bình Dương - đại diện duy nhất của Việt Nam - lần thứ 3 liên tiếp lọt vào danh sách Smart21, khẳng định hướng phát triển TPTM đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021- 2025 và xu thế thế giới.

Xây dựng thành phố thông minh trong thời kỳ mới, Bình Dương tập trung thực hiện quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị thông minh, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương

Hiện nay, Bình Dương đang triển khai lập Đồ án quy hoạch tỉnh, đồ án sẽ tích hợp các nội dung về phát triển đô thị thông minh. Dự kiến sau khi đồ án được duyệt, Bình Dương sẽ triển khai lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị gắn với đề án xây dựng TPTM được duyệt. Những năm qua, việc quy hoạch, lập dự án và triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông liên khu vực như quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn, công trình xây dựng đường và cầu nối Bình Dương và Tây Ninh, tuyến đường trục chính Đông- Tây (đoạn từ quốc lộ 1A đến giáp quốc lộ 1K)… bảo đảm sự kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ giữa Bình Dương và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, Bình Dương đã triển khai hệ thống xe buýt Becamex Tokyu sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG); thu phí tự động không dừng trên quốc lộ 13. Bình Dương cũng đã lập Dự án Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) thành phố mới (TPM) Bình Dương - Suối Tiên. Tuyến BRT này sẽ kết nối các đô thị Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, TPM Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, góp phần gia tăng số người sử dụng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và là cơ sở để kéo dài tuyến Metro số 1 về phía Bình Dương.

Đặc biệt, năm 2019, tại TPM Bình Dương, tổ hợp dự án khu phức hợp đã đạt các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới, được công nhận là Trung tâm Thương mại thế giới TPM Bình Dương (WTC BDNC). Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh. Trung tâm đã từng bước được quy hoạch trong Đề án TPTM, sẽ đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng thương hiệu lớn và uy tín của Bình Dương, là công trình biểu tượng, tăng giá trị cho khu vực, trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng. Năm 2020, Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua Đề án “Vùng ĐMST Bình Dương” do Tổng Công ty Becamex IDC đã báo cáo, đề xuất. Vùng ĐMST được mở rộng ra từ Vùng Thông minh được quy hoạch trong Đề án TPTM giai đoạn 2016-2020, là trọng tâm của Đề án TPTM Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Chiến lược đột phá mới

Đề án TPTM giai đoạn 2021- 2025 đang được hình thành, đưa ra chiến lược đột phá mới, trong đó đặc biệt là quy hoạch Vùng ĐMST với nhiều dự án cụ thể như Khu công nghiệp khoa học - công nghệ, WTC BDNC.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương đã xác định rõ Đề án TPTM sẽ được đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế. Bình Dương sẽ tập trung nguồn lực, bổ sung cập nhật chiến lược mới, quy hoạch Vùng ĐMST, phát triển Đề án TPTM trong thời kỳ mới. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng phát triển công nghiệp phía bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía nam, trong đó TPM với quy hoạch hiện đại đồng bộ là trung tâm của tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết: “Giao thông vận tải - logistics là vấn đề tiên quyết để tỉnh phát triển trong thời kỳ mới. Trong đó, chú trọng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, đường sông và nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ gắn với logistics thông minh. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng nhất trong liên kết vùng, tiêu biểu là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm giá thành sản xuất và thời gian vận chuyển”. Theo ông Long, ngay trong năm 2021 Bình Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thông minh và logistics thông minh. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo nghiên cứu chiến lược phát triển logistics Bình Dương trong giai đoạn mới, phối hợp doanh nghiệp, tổ chức, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam để triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến BRT, giao thông kết nối vùng. Tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng bắc - nam, đông - tây, để hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật số - băng thông rộng. (còn tiếp)

- Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Sự kiện Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart21 là giấy chứng nhận cho sự cố gắng, những thành tựu hết sức quan trọng của Bình Dương trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ tập trung nguồn lực, bổ sung cập nhật chiến lược mới, quy hoạch Vùng ĐMST, phát triển Đề án TPTM trong thời kỳ mới”.
- Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM Bình Dương: “Bình Dương đang chỉ đạo xây dựng đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, theo hướng tiếp tục thực hiện các dự án đã đề ra trong năm 2020. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu công nghiệp khoa học - công nghệ; tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, khởi công tòa nhà WTC BDNC để làm động lực thúc đẩy Bình Dương phát triển trong những năm tới”.
- Ông Louis Zacharilla, đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thế giới ICF: “Chúng tôi được chứng kiến những nỗ lực, tận tâm và cống hiến của cả chính quyền và người dân Bình Dương hướng đến TPTM và hiện đại. Hiện Bình Dương có chiến lược phát triển TPTM rất tốt và đang nỗ lực để ngày càng thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi có nhiều hy vọng sẽ thấy sự thành công hơn của Bình Dương trong thời gian tới”.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ