| 09-04-2024 | 09:02:11

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh: Nỗ lực gỡ khó về vật liệu xây dựng

 Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đi qua Bình Dương dài hơn 26km, là công trình giao thông kết nối quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian qua, Bình Dương đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường.

 

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công

 Khan hiếm nguồn cát san lấp

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền từ năm 2024 đến 2026 là 700.213m3, công suất khai thác trung bình là 1.945m3/ngày mới đáp ứng tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra. Trong 3 gói thầu xây lắp (XL) chỉ có gói thầu XL3, đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn sử dụng đắp nền đường bằng cát, các gói thầu còn lại sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng đất. Nguyên nhân do địa chất đoạn từ Bình Chuẩn ra sông Sài Gòn nằm trên vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước.

Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết: “Hiện nay, dự án thành phần 5 chủ yếu gói thầu XL3 đang sử dụng nguồn cát thương mại, mới cung cấp về dự án 7.000m3, các nhà cung ứng lấy cát từ các mỏ ở các tỉnh miền tây như Bến Tre, Hậu Giang… Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát từ các tỉnh này thường xuyên bị gián đoạn, dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm”.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại Phong, cho biết: “Hiện nay, Bình Dương chỉ có cát xây dựng. Đơn vị thi công thực hiện gói XL3 đang gặp khó về nguồn vật liệu cát đắp nền. Để triển khai thực hiện gói thầu, đơn vị cần 476.000m3 cát. Cát đắp nền đường có tính quyết định về tiến độ thực hiện, phải đắp xong nền cát, thi công chống thấm, xử lý gia cố nền hạ chờ gia tải lún hết 12 tháng, sau đó mới triển khai thi công, nên nếu không có cát đắp nền công trình sẽ phải tạm dừng. Điều này kéo theo thời gian thi công công trình, ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch thực hiện”.

Đề xuất các giải pháp

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), qua rà soát về trữ lượng còn lại, công suất khai thác của các mỏ khai thác vật liệu xây dựng như đá các loại và đất san lấp, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho đường Vành đai 3 theo khối lượng đã thống nhất cùng Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh.

Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án, UBND tỉnh, Sở TN&MT đã chủ động mời các doanh nghiệp có mỏ và đang khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến làm việc. Qua buổi làm việc, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đồng thời đã đăng ký cung ứng khối lượng. Trong đó, 6 đơn vị đăng ký cung cấp cát xây dựng với khối lượng 540.000m3, tương ứng 30% khối lượng, 8 đơn vị đăng ký cung cấp 1,83 triệu m3 đá xây dựng, tương ứng 40% khối lượng, 1,4 triệu m3 đất san lấp, tương ứng 70% khối lượng.

“Riêng cát san lấp Bình Dương không có, UBND tỉnh đã đề nghị các tỉnh, thành khác hỗ trợ. Tỉnh đề nghị Bộ TN&MT cùng UBND TP.Hồ Chí Minh sớm chủ trì phân chia cụ thể trữ lượng cung cấp của từng mỏ cho các địa phương để chủ động tính toán phù hợp tiến độ cung cấp, tiến độ thi công của từng gói thầu trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bình Dương đã đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh sớm thống nhất nguồn cát đắp, có thể sử dụng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia về sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công cho các dự án trọng điểm, điều phối về cho các tỉnh ngay trong quý II- 2024”, ông Trần Hùng Việt, nói.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại Phong, cho biết: “UBND tỉnh cần đề nghị Trung ương cho cơ chế đặc thù, khai thác cát đắp nền cho riêng dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Nếu cứ chờ đợi như hiện nay thì sẽ rất khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ”.

 Tại cuộc họp mới đây về bảo đảm nguồn vật liệu cho Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT thành lập ngay tổ công tác liên ngành do một thứ trưởng làm tổ trưởng, với sự tham gia của các bộ: Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp. Tổ công tác trực tiếp làm việc với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, vận dụng các cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép trong thăm dò, cấp phép và khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ