Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu về những công việc làm thêm của du sinh viên khi ra nước ngoài học tập.
Làm việc tính theo giờ
Theo quy định của đa số các nước, DHS được phép làm thêm cả trong lẫn ngoài trường, miễn không quá 20 giờ mỗi tuần. Các việc làm trong trường thường là phụ việc trong phòng máy, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng sinh viên, căn tin, hay hiệu sách của trường. Tuy nhiên, vì số lượng công việc có hạn mà sinh viên lại đông, nên kiếm được một việc làm ngay trong trường không phải là dễ. Vì vậy, phần đông các bạn DHS thường tìm tới các công việc bên ngoài.
Bạn Hương, DHS năm cuối ngành công nghiệp hóa thực phẩm của trường Đại học Agroparistech, tại Pháp cho biết: “Phần đông sinh viên du học ở Pháp chủ yếu là làm trong các tiệm ăn Việt Nam, nhà hàng Pháp, đi giao bánh Pizza, đi trông trẻ. Mùa hè có nhiều bạn đi làm ở trong các nhà máy hay đi hái hoa quả, đi bán nem. Nếu đi làm cho các nhà hàng Việt Nam thì lương rất ít, 5 - 6 euro/giờ. Còn đi làm cho người Pháp thì khoảng 7,5 euro/giờ”. Năm ngoái, bạn Hương từng đi giữ trẻ, với mức lương 7,5 euro/giờ. Hương kể: “Em năm ngoái trông một em 8 tuổi. Em đón bé đi học về, nấu ăn, làm bài tập và chơi với bé tới lúc bố mẹ bé đi làm về. Có khi ngày nào em cũng đến. Có tuần em chỉ đến 2 ngày”. Hiện giờ, Hương đã đổi sang công việc khác là đi dạy kèm toán và lý cho một học sinh cấp ba người Pháp, với mức lương là 17 euro/giờ, tức tương đối cao so với thu nhập trung bình của DHS làm thêm. Hương cho biết hàng tuần bạn làm gia sư từ 4 - 10 tiếng. Khoản tiền kiếm được giúp Hương trang trải các chi phí ăn, ở hàng tháng. Từ Đức, bạn Xanh, sinh viên năm thứ 3 ngành y, hiện đang theo học tại trường Đại học Hamburg cho biết thu nhập của DHS làm thêm ở đây dao động từ 6,5 euro đến 15 euro/giờ, tùy theo tính chuyên môn mà công việc đòi hỏi. Hơn một năm nay, cứ mỗi cuối tuần, Xanh lại đến phụ việc cho y tá tại một viện dưỡng lão, mỗi ngày hơn 8 tiếng. Xanh nói về công việc của mình: “Mỗi giờ em được trả 11 euro. Có bệnh nhân không di chuyển được, mình phải mang thức ăn tới cho người ta, hướng dẫn người ta đánh răng, rửa mặt, thay quần áo. Có người phải uống thuốc thì mình lấy thuốc cho họ, kiểm tra xem họ uống thuốc hay chưa. Có người mất trí nhớ, mình phải kiểm tra và nhắc chừng họ từng việc”. Xanh còn cho biết là bạn cũng phải giúp các bệnh nhân trong các sinh hoạt vệ sinh cá nhân.
Phương, một người bạn cùng khoa y và cũng học cùng trường với Xanh ở Đại học Hamburg tại Đức, giới thiệu các công việc mà DHS Việt Nam tại Đức thường làm thêm, Phương nói: “Phần đông DHS ở Đức có thể làm rất nhiều việc, từ bồi bàn, chạy quán ở những tiệm fastfood như McDonald, Burger King. Cũng có bạn đi dạy thêm, có bạn làm ở viện dưỡng lão, có bạn làm trong các công ty kỹ thuật nữa. Theo quy định, DHS được làm 90 ngày làm việc/năm, nếu làm cả ngày. Còn nếu làm nửa ngày thì được 180 ngày/năm”. Công việc của Phương phải làm ca đêm. Phương mô tả việc làm thêm của mình: “Em đang đi làm trong một bệnh viện nghiên cứu về chứng mất ngủ. Nhiệm vụ của em là theo dõi trên màn hình vi tính xem tình trạng của bệnh nhân có ổn hay không. Công việc của em thường phải làm qua đêm. Thường em chỉ làm 2 lần/tháng. Một giờ người ta trả 8,3 euro, nhưng vì làm ca đêm nên có tiền phụ trội. Chung quy một tháng làm 2 đêm như thế em kiếm được khoảng 200 euro”.
Tiền cơm gạo
Phần đông DHS làm thêm cho người bản xứ được trả lương bằng cách chuyển qua tài khoản như ở các nước châu Âu, hay trả séc (chèque) như ở Mỹ. Như vậy, thu nhập trên mức nhất định nào đó thì phải nộp thuế, như ở Đức quy định trên 400 euro/tháng phải đóng thuế thu nhập. Nếu các bạn làm việc cho các cửa tiệm mà người Việt Nam làm chủ thì mức lương thấp hơn và thường được trả bằng tiền mặt. Công việc phổ biến nhất đối với DHS Việt Nam có thể nói là phục vụ bàn hay phụ bếp ở các quán ăn của người Việt. Riêng ở Mỹ, nơi kỹ nghệ làm móng tay của người Việt khá hưng thịnh, thì có nhiều DHS còn đi làm nail sau giờ học nữa.
Nhung, DHS năm thứ nhất ngành giáo dục của trường Cao đẳng Cộng đồng Houston tại Mỹ, hiện phụ việc cho một tiệm ăn Việt Nam ở Texas nói về thu nhập của mình: “Ở đây tùy nhà hàng. Trung bình mỗi ngày họ trả mình 25 USD, nhưng chủ yếu tụi em nhờ tiền tip. Trung bình mỗi ngày được khoảng 50 USD tiền tip (có nghĩa tiền của khách biếu cho công phục vụ)”.
Cùng công việc với Nhung có Nhân, sinh viên năm thứ tư, khoa quản trị kinh doanh của Đại học Geneva, Thụy Sĩ. Ngoài giờ học, DHS này còn là một phục vụ viên cho một nhà hàng Việt Nam ở thành phố Geneva, mỗi tuần trung bình 12 - 13 tiếng. Nhân nói: “Em chỉ làm 2 ngày cuối tuần. Lúc đầu em làm phụ bếp, sau chuyển ra chạy bàn. Thu nhập trung bình mỗi tiếng là 16 quan Thụy Sĩ”. Nhân cho biết khoản thu nhập đó đủ để bạn chi trả tiền phòng trọ. Vừa học vừa làm vất vả như thế nhưng các bạn không hề ngại khó. Nhân nói: “Có điều kiện tài chính em cũng vẫn đi làm thêm vì nó cho mình cơ hội học hỏi nhiều, có điều kiện thực tập thêm ngoại ngữ. Ở Việt Nam chắc em không đi làm những việc này. Hồi đó em chỉ muốn đi dạy kèm thôi. Cho nên thời gian đầu em cũng bị sốc và tủi thân nhưng rồi thì từ từ cũng quen”.
Xanh góp lời: “Mục đích chủ yếu qua đây là học, cho nên đi làm dù nhiều lúc cũng cảm thấy mệt nhưng cũng phải ráng không để ảnh hưởng việc học. Đôi lúc mùa đông lạnh lẽo, hoặc lúc mọi người đang ngủ mà mình đi học về phải đi làm cũng có cảm giác tủi thân nhưng cảm giác đó cũng qua rất nhanh. Thật ra thì đi du học cũng có nhiều cái rất vui nhưng cũng có nhiều khó khăn phải tự vượt qua, nhưng học được nhiều thứ và mở rộng tầm hiểu biết của mình nhiều lắm”.
Đa số các DHS cho rằng việc làm thêm không ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập, miễn là biết chừng mực và phân bổ thời gian hợp lý, nhưng quan trọng nhất vẫn là luôn luôn phải nỗ lực vươn lên.
TẠ TRẦN NGỌC TÚ