Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tổng thống Bolivia Luis Arce, một cựu bộ trưởng kinh tế có phong cách ôn hòa, đã phải đương đầu với âm mưu đảo chính vào ngày 26/6.
Tổng thống Bolivia Luis Arce. Ảnh: AFP/TTXVN
Xe bọc thép đã lao vào cửa Phủ Tổng thống Bolivia trong khi nhiều binh sĩ chiếm quảng trường trung tâm tại La Paz trong một âm mưu đảo chính ngày 26/6. Tuy nhiên, Tổng thống Luis Arce đã không nao núng, ông cam kết giữ vững lập trường. Truyền hình Bolivia đã chiếu cảnh Tổng thống Arce đối đầu với thủ lĩnh của cuộc đảo chính tại hành lang của Phủ Tổng thống. Ông Arce cương nghị nói: “Tôi là chỉ huy của ông. Và tôi ra lệnh cho ông rút quân. Tôi sẽ không cho phép tình trạng bất tuân này”.
Tổng thống Arce đã chỉ định một chỉ huy quân đội mới, người đã ra lệnh cho binh sĩ rút lui. Sau khi binh sĩ rút lui, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Arce đã tiến đến quảng trường bên ngoài Phủ Tổng thống, vẫy cờ Bolivia, hát quốc ca và cổ vũ.
Vài giờ sau, Tướng quân đội Bolivia Juan Jose Zuniga đã bị bắt. Vào tháng 11/2023, ông Arce từng chỉ trích các đối thủ của mình và nói rằng họ “mơ về những cuộc đảo chính mới”.
Đài ABC News (Mỹ) đánh giá, sự nghiệp của Tổng thống Arce (60 tuổi) đã phản ánh rõ ràng quỹ đạo kinh tế của Bolivia.
Ông Arce từng học kinh tế ở London (Anh) và làm việc tại Ngân hàng Trung ương trong khoảng thời gian từ năm 1987-2006. Theo Ngân hàng Thế giới, cải cách những năm 1990 đã giúp Bolivia trở thành nhà sản xuất năng lượng quan trọng và chuyển từ một quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình. Tỷ lệ người dân trong tình trạng nghèo cùng cực giảm xuống còn 15%. Chính phủ đã xây dựng nhiều đường cao tốc và cáp treo, đồng thời các thành phố phát triển.
Ông Arce là người có lối sống kín đáo. Ông từng vạch ra kế hoạch kinh tế cho cuộc tranh cử tổng thống thành công năm 2005 của ông Evo Morales. Ông Morales sau đó bổ nhiệm ông Arce làm Bộ trưởng Kinh tế vào năm 2006. Từ đó, ông đã chèo lái nền kinh tế của Bolivia trong hơn một thập niên.
Người ủng hộ tin rằng ông Arce chính là kiến trúc sư của "phép màu" tăng trưởng Bolivia trong những năm 2000, giúp nhiều người ở một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ thoát khỏi đói nghèo. Hàng hóa bao gồm khí đốt, kim loại và đậu nành bùng nổ. Nhưng ông cũng khiến các nhà đầu tư tức giận khi thúc đẩy quốc hữu hóa các lĩnh vực bao gồm dầu khí.
Vào cuối giai đoạn cầm quyền gần 14 năm của ông Morales, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Cuộc bầu cử năm 2019 đánh dấu một cuộc khủng hoảng chính trị khi biểu tình xảy ra gây tê liệt nhiều tuyến đường cao tốc chính của đất nước này và tác động đến nền kinh tế. Tình trạng thiếu USD và nhiên liệu đã gây ra thiệt hại khiến sản lượng và xuất khẩu khí đốt của Bolivia giảm.
Cựu Tổng thống Evo Morales có nhiệm kỳ từ năm 2006 đến năm 2019, từng được coi là biểu tượng của cánh tả Mỹ Latinh. Trước sức ép của dư luận với cáo buộc gian lận trong bầu cử, ông Morales phải từ chức vào tháng 11/2019. Sau khi ông Morales rời chức vụ, Thượng nghị sỹ Jeanine Anez đảm nhận cương vị tổng thống lâm thời. Sau đó, đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2020, ông Arce giành chiến thắng.
Tướng Bolivia Juan Jose Zuniga (giữa) bị bắt giữ vì âm mưu đảo chính bất thành. Ảnh: Reuters/TTXVN
Khi đảm nhận chức vụ tổng thống, ông Arce mô tả cuộc suy thoái của Bolivia là tồi tệ nhất trong 40 năm. Gần đây, ông cho biết sản xuất xăng và dầu diesel không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, khiến Bolivia phải nhập khẩu 86% lượng dầu diesel và 56% lượng xăng do thiếu hoạt động thăm dò và sản xuất. Các hộ gia đình cũng buộc phải vật lộn với giá lương thực cao.
Ông Arce đã phải gắng sức để quản lý tình trạng thiếu USD, vốn gây căng thẳng cho nền kinh tế. Chính vị tướng đứng đằng sau cuộc đảo chính ngày 26/6 đánh giá chính phủ đương nhiệm đang khiến đất nước nghèo đi.
Chính phủ của Tổng thống Arce đã ký thỏa thuận với các công ty Nga và Trung Quốc để phát triển trữ lượng lithium khổng lồ chưa được khai thác của Bolivia. Lithium vốn được sử dụng trong pin ô tô điện, điện thoại di động và máy tính xách tay... Nhưng các nhà lập pháp Bolivia bị chia rẽ vẫn chưa phê duyệt bất kỳ hợp đồng nào.
Theo Báo Tin tức