Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 28-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
a) Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS;
b) Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh;
c) Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm;
d) Vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế;
đ) Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế;
e) Vi phạm các quy định về dân số.
Điểm đáng chú ý của Nghị định 117/2020/NĐ-CP là người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia có thể bị phạt tới 3 triệu đồng.
Theo đó, quy định mức xử phạt đối với cá nhân có các hành vi vi phạm quy định về uống rượu, bia; đơn cử như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu:
+ Ép buộc người khác uống rượu, bia;
+ Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15-11-2020.
SỞ TƯ PHÁP