Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Có bao giờ bạn gặp một hoàn cảnh quá khó khăn, bất hạnh để rồi xót xa, để rồi nể phục sức chịu đựng của họ? Và rồi bạn thấy rằng, những than vãn của mình về cuộc sống thật là vô lý khi mình có quá nhiều điều để gọi là hạnh phúc, đủ đầy… Câu chuyện dưới đây của người con bán vé số nuôi mẹ già liệt giường gần 20 năm nay là điều đã làm chúng tôi suy nghĩ như thế.
Nuôi mẹ trong cảnh nghèo khó
Cảnh nhà của mẹ con chị Lê Thị Tuyết Mai (sinh năm 1976) ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ xây tạm bên những ngôi mộ chưa di dời. Muốn vào nhà mẹ con chị, chúng tôi phải đi qua đường hẻm chỉ vừa lọt một chiếc xe máy, len lỏi qua mấy ngôi mộ mới tới. Nhà nằm sát bên dãy mộ “của ai đó được chôn cất từ lâu rồi” theo như người hàng xóm của chị Mai nói. Trong nhà, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Nhợ, năm nay 85 tuổi đang nằm đó. Bà bị bệnh tai biến từ năm 2000. Gần 20 năm nay chị Mai chăm sóc mẹ. Chị Mai không có chồng con nên ở chung và lo cho mẹ già. Bà Nhợ có 8 con, 5 gái, 3 trai nhưng họ ở riêng và ai cũng khó khăn, không giúp được nhiều cho mẹ và em gái.
Mọi vật dụng dành cho người mẹ bị liệt này tất nhiên để bên cạnh giường để bà… quờ tay là đụng! Cũng chẳng có gì nhiều ngoài một bao quần áo cũ, mền chiếu cũng đã cũ theo thời gian. Bà Nhợ nghiêng người để chị Mai đút mấy muỗng sữa chị mới vội vã đi mua về. “Chiều nay nghe có người đến thăm nhà mình, tôi mừng quá nghỉ bán vé số một buổi. Ai ngờ các chị lại tới sau 5 giờ chiều. Thường thì tôi bán vé về mua sữa và thức ăn cho mẹ luôn”, chị Mai hồ hởi khi đón chúng tôi vào nhà. Vậy mà chúng tôi cố tình hẹn chị sau 5 giờ để chị không bị lỡ một buổi bán vé số! Nhà, tất nhiên không có cái ghế nào để ngồi ngoài chiếc giường mẹ chị đang nằm. Gian bếp nghèo cũng chẳng có gì nhiều, hai mẹ con họ sống tằn tiện bằng số tiền vé số mà chị Mai kiếm được mỗi ngày.
Chị Mai chăm sóc mẹ
Nghe chị kể về cuộc đời mình mà xót xa; nhiều năm trước, chị là nhân công tách vỏ hạt điều cho một doanh nghiệp. Dù vất vả nhưng hồi đó làm cũng được nhiều tiền công hơn bán vé số và có thêm các khoản phụ cấp khác. Tai họa đến khi mẹ chị bị tai biến nằm liệt giường. Ngoài giờ đi kiếm tiền và làm việc nhà, chị Mai xoa bóp, tập vật lý trị liệu cho mẹ nên mẹ chị nay đã ngồi lên được một lúc. “Ngày trước còn phải mặc tã giấy cho mẹ, tôi càng khổ vì số tiền chi tiêu nhiều hơn. Nay mẹ đi vệ sinh tự chủ được nên tôi cũng mừng. Đau ốm thì ra tiệm thuốc tây mua về cho mẹ uống thôi. Có lần mẹ sốt cao, đau nặng phải đi bệnh viện tốn mấy triệu đồng vì không có bảo hiểm y tế”, chị Mai tâm sự.
Là 1 trong 11 hộ khó khăn cần giúp đỡ của phường Chánh Nghĩa, có sổ hộ nghèo nhưng do bà Nhợ không có giấy chứng minh nhân dân nên không thể mua bảo hiểm y tế hay được phường cấp cho. Không giấy tờ tùy thân là một trong những nỗi khó khăn nhất mà bà Nhợ và những người con, cháu của bà gặp phải. Hỏi ra mới biết, gia đình họ quê ở Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Nhiều năm trước đã bán hết đất, vườn và đến ngụ cư ở xóm gò này. “Mẹ tôi trong một lần bực bội, lên cơn tức giận sau đó mà xé bỏ hết tất cả giấy tờ, hộ khẩu cũ ở quê nhà. Giờ làm mãi không được nên kéo theo khá nhiều phiền phức khi đi làm các thủ tục liên quan đến chứng minh nhân dân, hộ khẩu” - bà Lê Thị Ngọc Liễu, chị gái của chị Mai nói thêm về cảnh khổ của gia đình họ.
Bà Nhợ ăn cơm ngày 3 bữa và mỗi bữa một chén thôi. Sữa, bánh thì lâu lâu mới có. Con gái bán vé số 3 năm trở lại đây không dám nghỉ một ngày vẫn không đủ tiền trang trải. Bởi cái nghèo cái khó cứ bám riết lấy mẹ con chị. Chi tiêu của cả 2 mẹ con chỉ khoảng 60.000 đồng/ngày.
Mong mẹ khỏe, mình trả hết nợ để lo cho mẹ
Căn nhà của mẹ con chị Mai dù làm tiện tặn hết sức vẫn phải vay nợ. Nợ tín dụng đen nên lãi mẹ đẻ lãi con. Đã thế, một lần chị bị bọn xấu lừa đổi vé giả mất thêm 2 triệu đồng nữa. Khó khăn chồng lên khó khăn, chị làm mãi mà không thoát khỏi cảnh nợ nần. Giờ đây hàng ngày chị Mai bán vé số lời khoảng 200.000 đồng thì phải trả 120.000 đồng cho chủ nợ. Số tiền còn lại đi chợ hết 60.000 đồng. 20.000 đồng còm cõi được để dành nhưng vài ba bữa mẹ chị than đau lại phải đi mua thuốc và bánh, sữa bồi dưỡng thêm cho mẹ. Cảnh “giật gấu vá vai” này đeo đẳng chị gần 20 năm nay nhưng chị Mai chưa một lần oán than mẹ. Theo chị đó là việc đạo nghĩa mà người làm con phải gánh. Chị là một phật tử nên càng hiểu hơn về đạo lý này.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Lý Lệ Cầm, tổ trưởng tổ 36, khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một cho biết, gia đình chị Mai khó khăn trong cuộc sống nên được bà con xung quanh giúp đỡ, cưu mang. Nhưng cuộc sống vẫn do chị nghị lực vươn lên và điều đáng được khen ngợi là chị luôn toàn tâm toàn ý lo cho mẹ. Bà Tuyết Mai, Phó ban điều hành khu phố 5, phường Chánh Nghĩa cũng cho biết bà ít gặp được người hiếu thảo như người con này. Bởi chị ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, không lập gia đình riêng để lo cho mẹ từ miếng ăn, giấc ngủ. “Chưa bao giờ tôi thấy những người trong gia đình này cãi cọ hay xích mích nhau do cuộc sống vốn quá khó khăn. Những dịp lễ, tết hay khi vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ, tôi đều ưu tiên cho gia đình này để phần nào chia sẻ khó khăn với họ. Họ được xét diện hộ nghèo do có người già ốm đau, không đủ sức lao động” - bà Tuyết Mai nói thêm.
Chị Mai cho biết, bản thân chị cũng bị đau bao tử và suy nhược cơ thể nhưng chị không dám nghĩ cho bản thân mình. Dù mưa, nắng cũng phải đi mới kiếm tiền để trả nợ và lo cho mẹ. Ước mơ lớn lao nhất là ngày nào đó chị hết nợ nần để lo cho mẹ được đủ đầy hơn chút nữa. Đi bán vé số về, việc đầu tiên là chị coi mẹ ra sao, có khó chịu ở đâu không mới lui sau nhà lo cơm nước cho hai mẹ con.
Bà Nguyễn Thị Lệ, hàng xóm chị Mai sang chơi khi thấy nhà chị đông người. Bà kể: “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng cảnh nhà chị Mai quả là nhìn đau lòng nhất. Xóm này toàn người tứ xứ tụ về sống tạm, không giấy tờ gì để chứng minh nên càng khó khăn hơn. Bà Lệ nói “có cách nào giúp cho mẹ con nó thì giúp giùm nhé các cô chứ nhìn cảnh côi cút vầy thương lắm!”.
Ơn mẹ cha sinh thành dưỡng dục, phận làm con nào dám kêu ca khi khó khăn. Cha mất sớm khi chị Mai mới 8 tuổi. Không được ăn học, chị càng thêm thiệt thòi. Nhưng với chị, còn mẹ là còn tất cả. Còn mẹ là còn niềm vui, hạnh phúc để chị có thêm nghị lực vươn lên…
Hỏi chị ước mơ điều gì? Chị đưa tôi đến bên cánh cửa tủ bếp đã cũ. Nơi đó có 13 cái vạch phấn chị tự đánh dấu số ngày đã trả tiền góp cho chủ nợ. Chị nói mong sao có 10 triệu đồng trả dứt điểm nợ nần để còn lo cho mẹ già và có chút tiền dự trữ khi mình lỡ bị ốm đau, bệnh nặng không đi bán vé số được nữa. “Tui không biết phần trăm lãi suất gì hết, chỉ biết là vay 1 triệu phải trả 1,2 triệu trong tháng. Trả chậm bị tính tăng thêm nữa” - chị Mai chia sẻ.
|
QUỲNH NHƯ - KIM HÀ