| 28-06-2024 | 05:46:48

Gặp gỡ những “nông dân chuyển đổi số”

Họ là những nông dân chân đất nhưng thực hiện rất tốt chủ trương chuyển đổi số (CĐS), mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương phát triển bền vững.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, anh Nguyễn Thành Nhân ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha cao su sang trồng sầu riêng. Do chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm, anh Nhân đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tham gia các buổi tập huấn do Hội Nông dân các cấp tổ chức để tích lũy kinh nghiệm. Đúc kết kinh nghiệm của các nhà vườn đi trước, anh áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động, quản lý dinh dưỡng, sâu bệnh thông qua phương pháp công nghệ.

Sau 4 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của anh Nhân đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với kết quả rất khả quan, thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: “Lúc đầu, nghe nói CĐS nông nghiệp, chúng tôi cũng không hiểu nhiều lắm, nhưng nhờ đi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng CĐS và thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh bán hàng trực tuyến… Sau đó, tôi tìm hiểu từ internet và đã mạnh dạn CĐS trên chính vườn cây của mình. Đến nay, thương hiệu sâu riêng của gia đình đã được thị trường đón nhận”.

Chị Nguyễn Như Ngọc (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) áp dụng khoa học công nghệ vào mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Còn tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi có dịp đến thăm vườn dưa lưới của chị Nguyễn Như Ngọc, một nông dân đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên địa bàn. Từ khi ứng dụng công nghệ nhà màng để trồng, 4.500m2 dưa lưới của gia đình chị Ngọc đã khắc phục được yếu tố thời tiết, dù là mùa mưa, nắng nóng, hay sương muối đều không ảnh hưởng đến cây trồng. Ngoài ra, chị Ngọc còn áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tất cả nước, phân bón, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng đều hòa chung ở bể chứa cung cấp cho cây trồng thông qua hệ thống ống và máy bơm trực tiếp đến gốc cây có gắn phần mềm điểu khiển trên điện thoại di động.

Theo chị Ngọc, phương pháp này vừa tiết kiệm nước tưới, phân bón, công lao động, lại hạn chế được sâu bệnh và cỏ dại. Ngoài ra, phương pháp này cho phép điều chỉnh được độ đường bằng cách bổ sung dinh dưỡng  cho cây trồng theo các giai đoạn phát triển. “Nhờ được tập huấn, được hướng dẫn từ các nông dân giàu kinh nghiệm và Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng nên gia đình tôi mạnh dạn áp dụng công nghệ trong trồng trọt, giúp gần nửa ha dưa lưới của gia đình đã có đầu ra, đem lại thu nhập ổn định”, chị Ngọc cho biết.

Bà Dương Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết CĐS, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để chủ động ứng phó yếu tố thời tiết, đáp ứng nhu cầu hàng hóa theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu hiện nay. Với hướng đi này, các nhà vườn ở huyện Dầu Tiếng đã hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

“Trong thời gian qua, hội đã phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn đến các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn… Qua đó, trang bị kiến thức, kinh nghiệm để những người làm công tác quản lý, cũng như trực tiếp sản xuất nông nghiệp có kiến thức áp dụng công nghệ vào sản xuất, cho năng suất và sản lượng cao, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần cùng địa phương phát triển nông nghiệp bền vững”, bà Dung cho biết.

Bà Dương Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết CĐS, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để chủ động ứng phó yếu tố thời tiết, đáp ứng nhu cầu hàng hóa theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu hiện nay. Với hướng đi này, các nhà vườn ở huyện Dầu Tiếng đã hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa…

SÔNG TRÀ

Chia sẻ