| 18-06-2022 | 08:48:46

Gặt hái thành quả từ tầm nhìn chiến lược – Kỳ cuối

 

Kỳ cuối: Thúc đẩy thương mại - dịch vụ thông minh

Được đánh giá là địa phương có “tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia”, Bình Dương đã chọn con đường pht triển thông minh để xây dựng, trở thành thành phố của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, là đim đến của giao thương quốc tế.


Triển lãm VIMF 2022 vừa tổ chức tại Bình Dương tạo điều kiện liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham quan các mô hình công nghệ thông minh tại triển lãm

Kết nối toàn cầu

Với đề án “Vùng đổi mới sáng tạo”, Bình Dương đang xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng với việc nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bình Dương tập trung quy hoạch bổ sung tổng thể đô thị theo định hướng hiện đại, tiện ích kết nối nội vùng và liên vùng; đồng thời thu hút mạnh về thương mại, công nghệ thông tin. Song song đó, Bình Dương cũng tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng theo chuẩn quốc tế.

Bình Dương xác định việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ cao không chỉ tạo diện mạo mới cho Bình Dương mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là kim chỉ nam cho việc triển khai các quy hoạch theo hướng ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... Chính điều này tạo nên một Bình Dương với tầm nhìn dài hạn và kết nối, là nền tảng lớn giúp tỉnh tự tin vượt qua được những thách thức hiện có.

Với cách quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD - mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, sẽ kiến tạo nơi chốn giúp phân bổ dân cư đồng đều, thúc đẩy thương mại địa phương, văn hóa giao thông công cộng, văn hóa đường phố. Một điểm nhấn quan trọng để Bình Dương đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo hướng thông minh là việc xây dựng phát triển Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BD) - một đơn vị sẽ đóng vai trò hạt nhân mở “cánh cửa” giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu, kết nối với tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Bình Dương đang triển khai khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới, mô hình thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Hàng hóa phục vụ các sàn thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ được lưu trữ tại các kho ngoại quan, khi có đơn hàng phát sinh ở quốc gia nào thì hàng sẽ được chuyển đến đó. Đề án kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp định vị Bình Dương là trung tâm logistics cho thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

Bình Dương cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển để đem đến một ngành dịch vụ mới - dịch vụ trí tuệ. Tại thành phố mới Bình Dương, trường Đại học Quốc tế Miền Đông đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, với hệ thống phòng Techlab, Fablad, Vườn ươm doanh nghiệp phục vụ khởi nghiệp, thu hút các nhà khởi nghiệp về sáng tạo các ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Điểm nhấn là công trình xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp trong công nghiệp, với lợi thế có nền tảng sản xuất công nghiệp, Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp trong công nghiệp và sản xuất. Công trình hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng và sắp hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trong công nghiệp.

Mở rộng hợp tác

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng nền tảng tích lũy của Bình Dương sau chặng đường vừa qua là rất lớn. Bình Dương đã mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác với nhiều thành phố lớn trên thế giới như Deajon (Hàn Quốc), Yamaguchi (Nhật Bản), Einhovend (Hà Lan)… Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã đặt nhà máy tại Bình Dương như Panasonic, Pepsi, Kumho, Vinamilk... Hệ thống giáo dục đào tạo của Bình Dương phát triển với nhiều trường đại học, hợp tác tốt với các đại học lớn trên thế giới như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Portland Hoa Kỳ… Các hãng công nghệ lớn như BOSCH, PHILIPS đã đến tìm hiểu và mong muốn mở rộng hợp tác. Đây là nền tảng quan trọng cho việc đẩy mạnh hợp tác, phát triển thương mại dịch vụ theo hướng thông minh

Mặt khác, Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn, vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, với các mô hình phát triển các khu công nghiệp thông minh, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tự động hóa trong việc quản lý và vận hành, sẽ tác động trở lại việc thu hút dân cư tài năng thế hệ mới, tạo lực đẩy quan trọng cho việc phát triển thương mại - dịch vụ thông minh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Tấn Lực, Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện OMG, Trưởng ban Tổ chức triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam (VIMF 2022), khẳng định: “Với hệ thống hạ tầng hiện đại, trung tâm triển lãm đạt chuẩn quốc tế kèm những tiện ích xung quanh, WTC BD đã và sẽ là điểm đến của các hội nghị, triển lãm mang tầm quốc tế. Điều này sẽ tạo ra những điều kiện mới cho các doanh nghiệp phát triển, khẳng định vị thế của Bình Dương”.

Ông Lee Dong Ki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty COEX (Hàn Quốc): COEX sẽ cử nhân lực cấp quản lý với nhiều kinh nghiệm thực tế ở các lĩnh vực như tổ chức triển lãm, điều hành hạ tầng tới Việt Nam. Nguồn nhân lực này sẽ quản lý chung, từ khâu lập kế hoạch tổng thể hoạt động cho tới chiến lược quảng bá WTC BD. Trong thời gian tới, COEX và một số đối tác có kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh cho WTC BD, như mở rộng nội dung triển lãm, tổ chức triển lãm kết hợp với các công nghệ trực tuyến.

TIỂU MY

Chia sẻ