| 01-03-2014 | 00:00:00

Giấc mơ “cây mía, hạt bắp…”

Kỳ lạ, một đất nước nông nghiệp, lực lượng lao động dồi dào, có đầy đủ “tố chất” để làm nông nghiệp, từ truyền thống tới hiện đại sao lại phải mơ chứ không là thực. Vâng, đặt một cái tựa vậy để luận bàn cho chuyên mục kỳ này cũng là bởi, dù qua bao năm phát triển, dù là nước xuất khẩu gạo, cà phê thuộc tốp đầu thế giới, nhưng nông dân Việt Nam vẫn cứ nghèo. Nghèo nên phải mơ về một cuộc sống khá giả hơn bằng chính thế mạnh nông nghiệp của mình cũng chẳng có gì là lạ!

Theo dõi loạt bài tìm hướng phát triển nông nghiệp hiện đại đăng trên một tờ báo bạn, chắc rằng không chỉ riêng người viết mà hẳn những ai quan tâm đến nông nghiệp nước nhà đều phải thốt lên và tự hỏi đến bao giờ đó là hiện thực rộng khắp trên những cánh đồng, thửa ruộng của nông dân Việt? Nông nghiệp Việt Nam hiện tại không thiếu những khu kỹ thuật cao, không thiếu những trang trại hiệu quả. Nông dân Việt Nam cũng không thiếu những người giàu. Nhưng có lẽ tất cả chỉ là số ít nếu so với tổng diện tích đất sản xuất, so với hàng chục triệu hộ nông dân hiện có.

Số đông nông dân Việt nam đang phải mày mò, bươn chải bằng chính nghề nông của mình với thu nhập thấp, quá thấp so với mồ hôi công sức đổ xuống ruộng đồng. Nói đâu xa, chỉ mới những ngày sau tết này, thông tin từ báo chí cũng cho biết, rau quả ở miền Trung, Tây nguyên trồng ra phải thu hoạch để… cho bò ăn bởi giá rẻ như bèo, tiền bán không lại tiền công!

Cũng là cây mía, cây bắp nhưng theo doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), đó là những cây trồng có lợi nhuận cực lớn. Minh chứng cho lời nói của mình, doanh nhân này dẫn chứng bằng việc tập đoàn do ông làm chủ tịch đang đầu tư trồng hàng chục ngàn ha mía, bắp với số vốn lên tới 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận mang lại là ngoài mong đợi. Tiếc thay, diện tích mà tập đoàn này đầu tư làm nông nghiệp lại ở tận bên… Lào và Campuchia! Vì sao không là Việt Nam? Ông Đức trả lời rằng, ở trong nước rất khó tìm được diện tích lớn để sản xuất, bởi các quỹ đất lớn đang lãng phí trong tay của các nông lâm trường trên cả nước! Nếu đó là sự thật, lại phải thêm một lần mơ nữa, mơ rằng phải trả đất về “đúng người, đúng việc” để khai thác hết tiềm năng, để người cần đất sản xuất, để người nông dân hưởng lợi.

Với Bình Dương, nông nghiệp công nghệ cao cũng đã hình thành. Hơn 400 ha tại An Thái (Phú Giáo) của một doanh nghiệp đầu tư đang cho hiệu quả cao. Và, trên địa bàn cũng không thiếu những mô hình nông nghiệp hiệu quả khác. Nhưng thực tế số đông nông dân vẫn trong tình cảnh khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ theo lối tuyền thống, sản phẩm đưa ra thị trường còn khó khăn, giá cả không tương xứng! Vậy thì lại mơ rằng, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái và những mô hình sản xuất hiện đại khác phải nhanh chóng trở thành động lực, “phủ sóng” cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn học hỏi, làm theo, liên kết để nâng cao giá trị trên chính mảnh đất của mình. Tin tưởng vậy!

TRIỆU PHONG

Chia sẻ