Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bước sang mùa tuyển sinh năm 2024, các trường đại học tốp đầu trên cả nước có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, thậm chí một số trường đã bỏ phương án này trong Đề án tuyển sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng tình với quyết định này, nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng trong xét tuyển.
Phụ huynh, học sinh tìm hiểm thông tin, nghe tư vấn về đào tạo của Trường đại học Kinh tế Quốc dân trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp.
Một số trường bỏ xét tuyển bằng học bạ
Theo phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường đã không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ, chỉ sử dụng 3 phương thức: xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu), xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (18% chỉ tiêu) và 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.
Tương tự, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ và tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo đề án. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 55% tổng chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, các trường đại học tốp đầu có xét tuyển học bạ, chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức này cũng đang giảm dần qua từng năm.
Tiến sỹ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc các trường đại học tốp trên, nhất là trường đào tạo chuyên ngành đặc thù bỏ phương thức xét học bạ là điều dễ hiểu. Bởi, ở những trường, ngành này, tính cạnh tranh rất cao. Phương thức xét học bạ không đủ sức để sàng lọc, tuyển chọn sinh viên giỏi cho các trường.
Nhìn từ số liệu đối sánh điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và điểm học bạ Trung học Phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những năm qua cho thấy, điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp. Đặc biệt, ở một số tỉnh, thành phố, khu vực, sự chênh lệch này rất lớn. Điều này đặt ra những lo ngại của các trường đại học về việc thầy cô “nương tay” khi cho điểm trong quá trình học tập, thi cử ở trường phổ thông.
Tiến sỹ Lê Đông Phương chia sẻ, nếu loại trừ được việc cho điểm “dễ dãi” ở bậc Trung học Phổ thông, kết quả học bạ cũng là thước đo đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách tương đối. Các trường đại học, tùy theo yêu cầu tuyển sinh, có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên, về lâu dài, các trường đại học vẫn sẽ tìm kiếm các phương án tuyển sinh riêng, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, xu hướng hình thành các mạng lưới tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phổ biến trong tương lai gần.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Xét tuyển thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng trong tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Hiện nay, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội.
Trên thực tế, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ chiếm phần trăm khá cao. Vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế…
Tín hiệu tích cực trong tuyển sinh
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, việc các trường đại học, đặc biệt là đại học tốp đầu bỏ xét tuyển học bạ là một tín hiệu đáng mừng.
Hình thức xét tuyển học bạ hiện vẫn được nhiều trường đại học trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, điều khác biệt là môi trường giáo dục của họ có văn hóa chất lượng. Nhiều quốc gia có hệ thống kiểm định các trường phổ thông rất nghiêm túc, chặt chẽ nên chất lượng giữa các trường đồng đều, không có tình trạng chỗ này cho điểm lỏng, chỗ kia cho điểm chặt.
Ở nước ta, trong bối cảnh vẫn còn sự “bất an” về tình trạng gian lận, chạy điểm, “làm đẹp” học bạ, việc xét tuyển bằng phương thức này sẽ khó có sự tin tưởng. Một kỳ thi chung của cả nước như kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chỉ chênh nhau nửa điểm đã có sự khác nhau giữa đỗ và trượt. Với xét điểm học bạ, có thể chênh nhau từ 5-7 điểm, chưa cần nói tới sự gian lận, vẫn rất khó đảm bảo công bằng.
Vì vậy, Tiến sỹ Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ nên xem học bạ là tiêu chí phụ cũng giống như xét các thành tích, giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi... Tiêu chí chính vẫn phải dựa vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hay đánh giá năng lực…
Đồng quan điểm trên, Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, chất lượng của các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Nếu dựa vào việc xét học bạ để tuyển sinh đại học sẽ không bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh trong cả nước.
Bên cạnh đó, việc các trường đại học chấp nhận xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực như tình trạng "mua điểm", “làm đẹp học bạ", từ đó dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Tất Dong cho rằng, cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay. Nhiều trường đại học top đầu đang có xu hướng bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ và tăng cường các kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào. Đây có thể xem là một phương án phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường top đầu có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh giỏi thực sự như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Đồng thời, không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, xét điểm học bạ...
Theo TTXVN