| 27-09-2013 | 00:00:00

Giám đốc sở Thông tin -Truyền thông tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Tuyến: “Tinh thần của Nghị định 72 là cởi mở, người sử dụng internet không gì phải lo ngại”

Nghị định 72/2013/NĐ- CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực ngày 1-9. Đây là văn bản pháp lý nhằm tạo hành lang minh bạch cho sự phát triển internet tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về nghị định này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin - Truyền Thông (TT-TT) Bình Dương Nguyễn Quang Tuyến.

 - Ông có thể cho biết những nội dung cơ bản trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng?    Trao đổi với người thân qua webcam - một tiện ích của Internet (ảnh có tính minh họa)

- Trước đây, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử (TTĐT) trên internet được thực hiện theo Nghị định số 97/2008/ NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện thì nghị định này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, Nghị định 72/2013/NĐ- CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trên.

Có thể nói rằng, đây là một nghị định rất quan trọng trong việc tiếp tục tạo hành lang pháp lý, động lực thúc đẩy phát triển internet và cung cấp dịch vụ trên internet và trên các trang mạng xã hội. Toàn văn nghị định gồm 6 chương, 46 điều quy định chi tiết cho việc cung cấp dịch vụ, sử dụng tài nguyên trên internet; đưa ra nguyên tắc, hành lang pháp lý trong việc cung cấp, sử dụng, phát triển dịch vụ của các trang mạng xã hội, trang TTĐT, những chế tài quan trọng để thiết lập các trang thông tin này và cung cấp dịch vụ trên các mạng thông tin di động; chế tài quản lý trò chơi điện tử, quản lý và cung cấp những phương thức hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng.

Nghị định 72 khuyến khích mọi người dân, tổ chức cung cấp, khai thác các dịch vụ trên internet; cung cấp, tìm kiếm và trao đổi chia sẻ các thông tin trên mạng. Đồng thời, nghị định cũng đưa ra những điều kiện để xây dựng các trang TTĐT, trang mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thu thập thông tin xuyên biên giới từ Việt Nam sang các nước và ngược lại theo quy định của pháp luật cũng như thông lệ quốc tế và các điều ước mà Việt Nam tham gia; quy định quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trên internet, trên trang mạng xã hội và bảo đảm, bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người sử dụng internet cũng như sử dụng các trang mạng xã hội khác.

Bên cạnh đó, Nghị định 72 đưa ra các hành lang pháp lý, nội dung về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đưa ra những khái niệm thế nào là an toàn thông tin, an ninh thông tin; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin như: Bộ TT-TT, Bộ Công an, cũng như các cơ quan khác; những chế tài, nghĩa vụ, quyền lợi của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên internet, trò chơi điện tử để bảo đảm mọi người dân cũng như tổ chức cung ứng, sử dụng dịch vụ trên internet đều thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Vậy theo ông, đâu là những điểm mới của Nghị định 72 so với nghị định trước?

- So với nghị định trước, Nghị định 72 bổ sung những nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng, đặc biệt là các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng như thực hiện cấp phép tất cả các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng; phân loại trò chơi nhằm giúp người chơi chọn lựa trò chơi phù hợp với lứa tuổi; quản lý chặt các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Giám đốc sở TT-TT Nguyễn Quang Tuyến: “Nếu sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân một cách trong sáng thì không có gì phải lo ngại”

Thứ hai, tăng cường quản lý nội dung thông tin, đặc biệt các mạng xã hội nước ngoài như quy định về quản lý dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông; quy định về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài; quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với việc đăng tải hoặc sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp nhằm bảo vệ người sử dụng internet.

Thứ ba, tăng cường quản lý an toàn thông tin, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng. Nghị định 72 đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những bất cập hiện nay trong lĩnh vực an toàn thông tin, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng như: Làm rõ khái niệm về an toàn thông tin và công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tội phạm trên mạng, qua đó phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành có liên quan nhằm làm cơ sở để phân định rõ ràng trách nhiệm giữa Bộ TT-TT và Bộ Công an.

- Hiện nay việc sử dụng trang TTĐT cá nhân ngày càng phổ biến trong đời sống của người dân. Do đó, sự ra đời của Nghị định 72 đã làm cho một vài người đang sử dụng trang TTĐT này băn khoăn, vì cho rằng có những chế tài liên quan. Vậy, Nghị định 72 quy định về trang TTĐT cá nhân như thế nào?

- Tại Điều 20, Nghị định 72 có đưa ra những khái niệm và phân biệt rõ nội dung của những trang TTĐT đang hoạt động hiện nay như trang TTĐT tổng hợp, trang TTĐT nội bộ, trang TTĐT cá nhân...

Trang TTĐT cá nhân là trang TTĐT do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Như vậy, trang TTĐT cá nhân không cấm cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình đối với xã hội, chỉ cấm không được thực hiện cung cấp thông tin tổng hợp. Tại Điều 10 và Điều 26 quy định về quyền và nghĩa vụ người sử dụng internet và sử dụng mạng xã hội cũng đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết.

- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng internet để phục vụ cho các ý đồ xấu và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý như vụ 3 cá nhân đã tung tin sai lệch việc ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt hồi tháng 2-2013. Theo ông, liệu Nghị định 72 sẽ hạn chế tình trạng này?

- Nghị định 72 sẽ xử lý nghiêm minh các trang tin mạo danh. Thực tiễn thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng môi trường mở của internet để phục vụ cho các ý đồ xấu. Một số trang tin mạo danh không dừng lại ở mức gây hại cho một vài cá nhân mà còn có biểu hiện cố tình tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin về tài chính, tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế, hoặc gây thông tin chia rẽ ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ. Chính vì vậy, Nghị định 72 đã quy định rất rõ việc cấm “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Rõ ràng đây là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thực tế là: tinh thần của Nghị định 72 là cởi mở và những người sử dụng internet không có gì phải lo ngại. Nếu có ai còn lo lắng thì có thể do họ có động cơ không trong sáng.

- Xin cám ơn ông!

NHÂN QUANG (thực hiện)

Chia sẻ