Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Việc các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động, cho vay và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để hỗ trợ thiết thực cho người dân, các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất trong thời gian tới.
Giải ngân tín dụng cho khách hàng cá nhân tại Phòng giao dịch Sacombank Bến Cát
Giảm lãi suất đầu vào
Chỉ trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh 2 lần lãi suất điều hành. Trong đó, ngày 31-3 vừa qua, NHNN đã có các quyết định điều chỉnh giảm (hiệu lực từ ngày 3-4) lãi suất tái cấp vốn (từ mức 6%/năm xuống 5,5%/ năm); lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/ năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/ năm xuống 4,5%/năm… Trước đó, ngày 15-3, NHNN Việt Nam cũng có các quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất tương tự.
Sau các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất nêu trên, lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng dần hạ nhiệt. Tính đến sáng ngày 5-4, bảng lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) không còn áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 9%/năm. Chỉ còn duy nhất Ngân hàng Sài Gòn (SCB) còn áp dụng mức lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này được áp dụng cho các khoản tiền gửi theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, chỉ còn khoảng 10 NHTM áp dụng mức lãi suất 8,5 - 8,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng. Riêng nhóm NHTM khối Nhà nước như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường, ở mức 7,2%/năm (gửi tại quầy).
Tuy áp dụng các mức lãi suất huy động theo xu hướng giảm, nhưng các ngân hàng cũng lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất khi gửi, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Trong khi đó, giữa tháng 2 vẫn có tới trên 10 ngân hàng niêm yết lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, cùng với hàng chục ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất từ 9% trở lên. Như vậy, trong gần 2 tháng qua, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm rất nhanh.
Kỳ vọng khơi thông tín dụng
Theo số liệu của NHNN - chi nhánh Bình Dương, tính cuối tháng 2 vừa qua, tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp. Tổng nguồn vốn huy động đạt 270.000 tỷ đồng, giảm 2,2% so với đầu năm, tăng 0,37% so với năm trước. Trong khi đó, tổng dư nợ 288.000 tỷ đồng, tăng 1,05% so với đầu năm, tăng 10,34% so với năm trước. Mặc dù 2 chỉ tiêu tín dụng cơ bản này tăng, nhưng mức tăng trưởng vẫn ở mức chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường tiền tệ, tín dụng ở Bình Dương diễn biến phù hợp với cả nước.
Tuy vậy, theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - chi nhánh Bình Dương, tín dụng tăng trưởng chậm trong những tháng qua là do hệ lụy dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thị trường xuất khẩu giảm sút, nhất là đối với lĩnh vực ngành nghề gỗ, dệt may, da giày và bất động sản… kéo theo nhu cầu tín dụng của DN và người dân giảm mạnh. Chính vì vậy, việc các ngân hàng liên tục kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động và chủ động tiết giảm chi phí là điều kiện quan trọng để giảm lãi suất cho vay nhằm đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng vốn tín dụng của nền kinh tế.
Tiếp tục thúc đẩy gói tín dụng 40.000 tỷ đồng Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cũng như đánh giá để đề xuất giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ. Bên cạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, tương đương hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. NHNN yêu cầu các ngân hàng chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định. |
Ghi nhận cho thấy, hiện nay nhiều NHTM đã tung ra các gói vay giá trị lớn để tài trợ nguồn vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Chẳng hạn, VietinBank đã áp dụng gói vay 100.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7,1%/năm cho vay DN vừa và nhỏ với thời gian vay tối đa 12 tháng. Agribank cũng triển khai gói vay 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với mục tiêu tương tự là tài trợ vốn cho các DN bổ sung vốn lưu động và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Các ngân hàng khác như VIB, ACB, HDBank, NamABank… hiện cũng đã bổ sung các gói vay ngắn hạn, tài trợ vốn xoay vòng cho DN nhỏ và siêu nhỏ.
Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc HDBank chi nhánh Bình Dương, cho biết ngân hàng này đang mở rộng nhiều sản phẩm tín dụng ít phụ thuộc vào tài sản thế chấp là bất động sản. Thay vào đó là các sản phẩm tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, hợp tác ba bên (ngân hàng - DN đầu mối - DN nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa, công nghiệp phụ trợ). Tuy nhiên, do nhiều DN đang khó khăn về thị trường nên việc giải ngân các khoản vay cũng gặp khó và tăng trưởng chậm.
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng được đánh giá sẽ giúp các DN giảm được chi phí, kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, bà Võ Thị Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Trung Mai, cho rằng hiện nay có không ít DN bị chôn vốn trong hàng hóa tồn đọng. Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, việc bị chôn vốn do chậm hoàn thuế cũng khiến tắc nghẽn dòng vốn quay vòng. Vì thế ngành thuế cần đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế để gỡ khó cho DN. Sự đồng hành của các NHTM và sự quyết tâm kéo giảm lãi suất trên thị trường của NHNN là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để hỗ trợ thiết thực cho các các DN sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
THANH HỒNG