| 19-07-2021 | 08:52:09

Giãn cách xã hội toàn tỉnh để kiểm soát tốt dịch bệnh

Ngày 18-7, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3300/UBND-VX về việc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 19-7 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Văn bản này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khống chế dịch bệnh Covid-19 của toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Dương.

 Mạnh mẽ, quyết liệt chống dịch

Trao đổi với chúng tôi về Công văn số 3300/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Dương, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ công tác PCDB của Bộ Y tế tại Bình Dương, cho biết đây là quyết định đúng đắn, mạnh mẽ quyết liệt của Bình Dương trong công tác chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh trong 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 19-7 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân TP.Thủ Dầu Một đã nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong hơn 10 ngày qua. Ảnh: MINH DUY

Ông Nam khẳng định, thời gian này là cực kỳ quan trọng để Bình Dương đồng loạt với các tỉnh phía Nam thực hiện Chỉ thị 16. Nếu Bình Dương thực hiện quyết liệt Chỉ thị 16 và chiến lược “vùng xanh” sẽ giúp tỉnh đuổi kịp tốc độ lây nhiễm dịch bệnh, kịp thời khống chế, tránh bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Nguyên tắc giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh là cách ly gia đình với gia đình, tổ với tổ, khu với khu, ấp với ấp, xã với xã, huyện với huyện.

 Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội PCDB tại một số địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương, cùng với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung TP.Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.

Mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (phải có thẻ công chức, viên chức hoặc giấy chứng minh nơi làm việc); thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Người dân cũng dừng việc di chuyển giữa các địa bàn, khu vực, từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Địa phương cho tạm dừng tất cả hoạt động của chợ tự phát, quản lý chặt chẽ các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại, nâng mức độ chống dịch lên mức cao nhất, thường xuyên khử khuẩn, giảm, giãn sự tập trung khi mua sắm… bảo đảm an toàn cho công tác PCDB.

“Một điểm mạnh trong văn bản này là đã phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp trong PCDB, quy trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ở địa phương, đơn vị mình phụ trách. Theo tôi, vai trò của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, cơ quan… rất quan trọng và phải làm thực sự nghiêm túc, không lơ là, tắc trách”, ông Nam nói.

Công văn số 3300 của UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thành lập mới các chốt, trạm kiểm soát tới tận khu phố, ấp; có biện pháp cấp thẻ, phiếu đi lại cho người dân có nhu cầu thật sự cần thiết phải ra ngoài; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị số 16, kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong” ở các khu phong tỏa, cách ly. Trong các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng phải đáp ứng yêu cầu quy định về PCDB, đặc biệt phải đảm bảo phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc thực hiện phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Giãn cách nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau

Đề cập đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội trong 14 ngày giãn cách, ông Dương Chí Nam phân tích thêm: “Khi quyết định ban hành văn bản thực hiện giãn cách, lãnh đạo Bình Dương đã lên phương án phân bổ, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể, Sở Công thương thực hiện kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, bảo đảm cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ổn định giá cả các mặt hàng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường”.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, việc cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các khu dân cư trong tỉnh tương đối ổn định. Điển hình như tỉnh đã cung ứng hàng hóa thiết yếu bằng các chuyến hàng lưu động của doanh nghiệp tại huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, TX.Bến Cát và các điểm trong khu vực phong tỏa. Đặc biệt, hiện các địa phương đang triển khai bán hàng tại các điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã phường; tăng cường cung ứng hàng hóa tại các chợ truyền thống và tích cực triển khai mô hình “đặt hàng trực tuyến”.

Việc ban hành công văn thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao đẩy lùi dịch bệnh của tỉnh với mục tiêu sức khỏe của nhân dân là trên hết. Vì vậy, trong “thời gian vàng” thực hiện giãn cách xã hội này, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ nghiêm các quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng chiến thắng đại dịch.

 Một số nội dung chính trong Công văn số 3300 /UBND-VX về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh:
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (phải có thẻ công chức, viên chức hoặc giấy chứng minh nơi làm việc) và các trường hợp khẩn cấp khác do Sở Y tế hướng dẫn; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện việc sắp xếp, bố trí nhân viên làm việc luân phiên, giảm tối đa số lượng người làm việc tập trung tại trụ sở cơ quan và thực hiện giải quyết công việc trực tuyến tại nhà nhưng vẫn phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dừng các hoạt động hội, họp không cần thiết, trường hợp phải tổ chức họp thì tuân thủ tuyệt đối theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc của đơn vị mình và để cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh tại công sở.
Ngành y tế, lực lượng vũ trang bố trí trực chiến 100% quân số. Các cơ quan thuộc các đơn vị hoạt động công ích, phục vụ thiết yếu và các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình thực tế để bố trí cán bộ làm việc phù hợp, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ được giao.
UBND các huyện, thị, thành phố theo phân cấp quản lý địa giới hành chính của mình triển khai thành lập mới các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tới tận khu phố, chủ động có biện pháp cấp thẻ, phiếu đi lại cho người dân có nhu cầu thật sự cần thiết phải ra ngoài; đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định và việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, đặc biệt phải kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong” ở các khu phong tỏa, cách ly; phối hợp với ngành công thương trong việc cung cấp hàng hóa thiết yếu...

 KIM HÀ

Chia sẻ