Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong vài năm trở lại đây, các dịch vụ mua hàng qua mạng, thanh toán online đã dần phổ biến với nhiều người dân, đặc biệt là dân thành thị. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường dịch vụ này có dịp “bùng nổ”.
Các đơn vị dịch vụ nỗ lực làm hài lòng khách hàng bằng việc áp dụng công nghệ vào quá trình phục vụ một cách nhanh chóng
Tỷ lệ giao dịch trực tuyến tăng
Lo sợ về nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 qua các hình thức thanh toán như tiền mặt, hay thẻ thanh toán truyền thống hoặc tiếp xúc trực tiếp… gần đây, người dân đã có xu hướng chuyển qua các hình thức mua hàng trực tuyến, công nghệ thanh toán online thay vì phải đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị, ngân hàng sử dụng tiền mặt để tránh những tiếp xúc thông thường. Theo ghi nhận, trong mùa dịch bệnh này, người tiêu dùng thành thị còn có xu hướng tăng mua sắm online trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) với nhiều mặt hàng từ khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay đến đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu... Trong đó, nhiều người cũng đua nhau cài đặt ví điện tử hoặc ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking để hạn chế đi ra ngoài, hạn chế sử dụng tiền mặt.
“Trước đây, mỗi lần đi siêu thị tôi thường trảbằng tiền mặt hay cà visa nhưng cả tháng nay, đối diện với nỗi sợ lây lan dịch bệnh nên tôi chuyển qua mua sắm online, hàng giao tận nhà. Nếu buộc phải đi mua sắm thì dùng ví điện tử để hạn chế tối đa với việc tiếp xúc bên ngoài”, chị Trần Lê Thanh, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết. Tương tự, cũng vì lo sợ đến chỗ đông người có khả năng lây nhiễm Covid-19 nên chị Nguyễn Thị Thủy, ở phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, cho biết chị lười tìm hiểu công nghệ internet và hay đi chợ gần nhànên chủ yếu sử dụng tiền mặt, nhưng gần đây với tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể đùa với sức khỏe của bản thân và gia đình được nên chị đã thử dùng dịch vụ chọn hàng online, rồi dùng dịch vụ vận chuyển tận nhà. Ở thời điểm dịch bệnh hiện nay, chị lại càng thấy lựa chọn thói quen này là đúng.
Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Bình Dương, cho biết kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các giao dịch điện tử như đặt hàng, yêu cầu giao hàng qua mạng tại Co.op Mart Bình Dương đã tăng khoảng 30%. Khách hàng gần, xa đều tăng mua hàng qua mạng khiến lực lượng giao hàng của Co.op Mart đôi khi bị quá tải. Đây cũng là tín hiệu tốt trong bối cảnh xu hướng giao dịch điện tử cần nhân rộng.
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bình Dương, cho biết kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, các giao dịch điện tử thông qua kênh của ngân hàng đã tăng trưởng mạnh, gần 40%. “Chúng tôi luôn khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể có nguy cơ ẩn chứa vi rút như tiền mặt. BIDV sẽ hoàn 100% phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tửcho khách hàng mới từ ngày 14-2 đến hết 30-4-2020. Theo đó, BIDV dành đến 2,46 tỷ đồng để hoàn phí giao dịch trên BIDV SmartBanking và BIDV Online cho các khách hàng mới đăng ký dịch vụ”, ông Trần Ngọc Linh nói. Theo ông Trần Ngọc Linh, phí giao dịch sẽ được hoàn vào tài khoản của khách hàng định kỳ hàng tháng. Đồng thời, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV Online, BIDV SmartBanking sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Lãi suất sau khi cộng ưu đãi đã được niêm yết sẵn trên hệ thống. Ngoài ra, BIDV tiếp tục duy trì chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay duy trì dịch vụ nào trên hai kênh này.
Nỗ lực hài lòng khách hàng
Trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, chị La Thanh Ngọc, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cho biết, nếu như trước đây chị phải mất thời gian đến ngân hàng đăng ký làm thủ tục thanh toán, chuyển khoản nhưng từ khi có dịch vụ Internet Banking, chị chỉ cần làm một vài thao tác nhỏ trên điện thoại là yêu cầu được chuyển đến ngân hàng cung cấp dịch vụ. Ngay lập tức, khách hàng đã nhận được thông tin, tiền trong tài khoản. “Không chỉ sử dụng trong giao dịch làm ăn, tôi còn thực hiện thanh toán, đặt hàng, mua hàng qua mạng khi chỉ cần lướt internet, đặt hàng và chờ nhận hàng. Bản thân tôi cảm thấy hài lòng về cách làm này vì đỡ mất thời gian đi lại, chờ đợi. Và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng ngày càng đưa ra những giải pháp đơn giản, nhanh chóng không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức mà còn luôn có những sản phẩm tươi ngon, chất lượng dịch vụ nhất cho người tiêu dùng”, chị La Thanh Ngọc chia sẻ.
Chính nhờ khả năng phục vụ khách hàng nhanh như vậy nên ngành dịch vụ giao hàng qua ứng dụng ngày một phát triển và thay đổi cách thức mua bán của thị trường. Theo đó, cũng thúc đẩy các đơn vị nỗ lực làm hài lòng khách hàng bằng việc áp dụng công nghệ vào quá trình phục vụ một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ chu đáo hơn so với trước thay vì khách hàng phải đi lại giữa điều kiện thời tiết không thuận lợi, xe cộ đông đúc và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
THANH HỒNG