| 09-10-2012 | 00:00:00

Giữ nghề, nghề không phụ

Trong những năm gần đây, một số nghề thủ công truyền thống đã có sự hồi sinh và phát triển trở lại, trong đó có nghề mây, tre, lá. Tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên hiện có xóm đan mây, tre với gần 20 hộ gia đình tham gia. Họ là những người thợ khéo tay, kiên trì và đầy tâm huyết với nghề. Gắn bó với nghề, mong muốn nghề truyền thống đan mây, tre được lưu truyền nên nghề không phụ. Nhờ có nghề này mà gần 20 hộ gia đình trong xóm có cuộc sống ổn định… Nghề đan mây, tre, lá phù hợp với những người lớn tuổi

Từ yêu đến giữ nghề

Bà NGUYỄN THỊ BẢY, chủ Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc, chia sẻ: “Các anh, chị thợ đan mây, tre, lá trong xưởng đan của tôi cũng như những người thợ ở xóm đan đều cho biết họ không chỉ muốn giữ nghề truyền thống của cha ông, mà còn giữ “chữ tín” với khách hàng về chất lượng sản phẩm, để sản phẩm của nghề này đi xa hơn, đến với nhiều người trên thế giới và nói cho họ biết Việt Nam có một nghề độc đáo…”.

Cô Dương Tiêu Hà, 57 tuổi, quê An Giang là một trong những công nhân của tổ đan mây, tre, lá (ĐMTL) thuộc Công ty RTM (một công ty chuyên đan mây trang trí trên gốm) vào năm 1998 khi tổ đan mới chỉ có 20 người do cô Nguyễn Thị Bảy ngày đó làm quản lý (hiện nay cô Bảy là chủ Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc). Xưởng đan của Công ty RTM giải thể đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình cô lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do yêu nghề cô Hà đã quyết định gắn bó với công việc đan lát này. Khi nghe tin cô Bảy tự đứng ra thành lập xưởng đan mây, tre thì cô Hà là một trong những người thợ đầu tiên xin “đầu quân” làm thợ đan trong xưởng của cô Bảy. Để ổn định cuộc sống gia đình, cô Hà còn về quê thuyết phục cả gia đình chuyển lên Bình Dương và đăng ký ở luôn trong khu nhà mà cô Bảy xây dựng dành cho công nhân để tiện làm việc.

Cô Hà, kể: “Tính đến nay, gia đình tôi đã đến làm việc và sinh sống ở đây hơn 10 năm. Nhiều gia đình ở đây cũng như tôi, đều đưa cả gia đình cùng đến đây làm việc và sinh sống, rồi thành xóm ĐMTL hồi nào không hay”. Nói xóm ĐMTL là vì tất cả những người vợ, người mẹ xóm này đều làm duy nhất một nghề là ĐMTL. Cánh đàn ông, thanh niên “sức dài vai rộng” không chịu bó gối một chỗ thì ban ngày đi làm ở các công ty khác, nhưng để giữ nghề, cứ chiều về hay ngày nghỉ là họ cũng phụ giúp gia đình đan mây, tre để kiếm thêm thu nhập. “Ở đây, ngoài thời gian làm trong xưởng, chúng tôi còn nhận hàng về nhà làm thêm nên mấy đứa con nít cũng làm ra tiền. Nhờ vậy mà ai cũng chăm chỉ làm”, cô Hà nói.  Cả những em học sinh cũng tập tành đan lát khi rảnh

Cũng như cô Hà, gia đình chị Trương Minh Ngọc, quê Bến Tre, cũng lên đây làm việc được mấy năm. Mắt nhìn vào sản phẩm, đôi tay vẫn thoăn thoắt đan, chị Ngọc chia sẻ: “Làm công việc này nhìn thấy nhàn, nhưng cũng cực lắm em ạ. Làm suốt ngày nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều khi ngồi đan lâu lưng mỏi nhừ, còn hai tay thì cứ tê cứng cả lại. Do tiếp xúc với mây tre sắc cạnh nên chỉ cần bất cẩn chút xíu là mấy ngón tay tứa máu. Kể với chúng tôi về những vất vả của nghề, nhưng trên gương mặt chị vẫn toát lên vẻ tươi tỉnh, tự hào. Vất vả là vậy nhưng do yêu nghề, lại làm ra tiền nên mọi người ở đây ai cũng miệt mài, hăng say với công việc, hứng thú với sự sáng tạo trên từng sản phẩm. Có nhìn thấy những chiếc chậu bằng sứ được những người thợ đan nơi đây khoác lên “bộ áo” bằng những nguyên liệu dân dã của làng quê như dây mây, dây cói, bẹ lục bình, dây chuối… với những hoa văn, đường nét đẹp mới thấy được sự sáng tạo của người thợ.

Rộn ràng xóm thợ

Chúng tôi đến thăm xóm ĐMTL vào buổi chiều nên chỉ trò chuyện chốc lát đã đến giờ tan ca. Đúng như lời các cô, các chị thợ đan ở đây nói với chúng tôi, buổi chiều tối thường là lúc rộn ràng nhất ở xóm thợ. Khi các chú, các anh lần lượt trở về nhà sau một ngày làm việc ở các công ty, xí nghiệp cũng là lúc xóm ĐMTL như được tiếp thêm sức. Sau khi tan ca ghé trường học đón con về, xóm đan như rộn ràng hơn với tiếng nói, tiếng cười của trẻ nhỏ. Khác với những nơi khác, đàn ông thường bù khú nhậu nhẹt sau một ngày làm việc, còn tại xóm đan này, đàn ông thường thay vào chỗ vợ khi vợ lo cơm nước buổi chiều. Các cháu nhỏ cũng phụ giúp ba mẹ sắp xếp thành phẩm, chuyển nguyên liệu và tập tành đan lát. Chị Lê Thị Tuyết Trinh, quê Đồng Tháp, cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều là xóm này lại rộn cả lên. Sản phẩm theo đó mà cũng làm ra nhiều hơn”. Anh Tài, công nhân của Công ty An Huy, vừa đi làm về là đã bắt tay vào đan chậu ngay. Vừa làm, anh Tài vừa nói: “Do đặc thù công việc không quá nặng nhọc nên tuy mệt cả ngày anh vẫn còn sức làm thêm. Hơn nữa ĐMTL là nghề thủ công truyền thống của gia đình nên anh cũng như mọi người trong xóm đều muốn duy trì và phát triển”.

Nhận xét về nghề, về những người thợ trong xóm đan, cô Nguyễn Thị Bảy, chủ Cơ sở mây, tre đan xuất khẩu Thành Lộc, cho biết: “Phải có tinh thần chịu khó, kiên trì và thật sự yêu nghề mới có thể làm được công việc này. Ngày thường cứ sau khi cơm nước xong thì đèn trong tất cả các gia đình ở đây đều bật sáng ra đến tận mái hiên để đan đến khoảng 21 giờ mới nghỉ. Khi hàng về nhiều, họ đan đến 12 giờ đêm mới nghỉ. Nhiều lúc kẹt giao hàng, một số chị em thức thâu đêm để làm cho kịp có hàng giao cho khách, xóm đan vì vậy mà lúc nào cũng rộn tiếng nói, tiếng cười”.

Nghề lại nuôi người

Ông VÕ VĂN NỞ, Trưởng phòng Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Đan mây, tre, lá đang là một trong những nghề thủ công truyền thống có thể mở rộng, phát triển thành làng nghề phục vụ du lịch để thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng cao, do đó đan mây, tre, lá là nghề hứa hẹn sẽ phát triển mạnh”.

Không chỉ với mong muốn nghề đan mây, tre truyền thống sẽ được phát triển, mở rộng phạm vi cơ sở lẫn thị trường, những người thợ đan của xóm này còn mong nghề truyền thống phát triển sẽ mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô Nguyễn Thị Phượng, quê An Giang, một thợ đan đã theo nghề suốt 14 năm với nhiều kinh nghiệm cho hay: “Nhờ có công việc đan lát này mà gia đình cô có cuộc sống đủ đầy hơn so với thời còn làm ruộng ở quê. Do được nhận hàng về nhà làm mà không phải bỏ đồng vốn nào nên mình làm nhiều thì được hưởng nhiều, không lo lỗ vốn. Điều quan trọng hơn là mình chủ động được thời gian để làm việc nhà, chăm sóc gia đình”. Kể với chúng tôi về những ngày đầu khi mới đến đây tìm việc làm, cô Phượng cho biết cả nhà lúc đó 5 miệng ăn, không biết nghề đan lát này có đủ nuôi sống gia đình, tiếp tục cho 3 đứa con ăn học; rồi có sống được nơi đất khách quê người do tập quán khác ở quê… “Nhờ nghề đan này mà các con tôi được ăn học thành đạt. Bây giờ thì đứa làm trong công ty, đứa làm giáo viên…”, cô Phượng nói mà nét mặt rạng ngời niềm tin.

Tương tự, gia đình chị Lê Thị Thảo cũng có 2 cháu đang đi học. Nghề ĐMTL trên chậu gốm, mà nhất là được nhận hàng về nhà làm, đã giúp chị vừa có thời gian lo cho gia đình vừa kiếm được tiền lo cho 2 con đến trường. Chị Thảo cho biết thêm, bình quân mỗi ngày cả nhà chị đan được gần 20 bộ chậu, mỗi bộ giá 7.000 đồng, mỗi tháng thu nhập từ 4 -5 triệu đồng, tháng nào hàng nhiều thì thu nhập khoảng 7 triệu đồng, chưa tính tiền lương của ông xã làm ở công ty khác. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chị khá ổn định, không còn lo ngay ngáy tiền học phí cho con như thời ở quê.

Quả đúng yêu nghề, giữ nghề thì nghề không phụ. ĐMTL là một nghề không chỉ phù hợp với các chị em phụ nữ và người già, mà còn thu hút được cả nam giới và các cháu nhỏ cùng tham gia. Đây là nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình không riêng tại xóm đan nói trên mà còn cho người dân nhiều vùng khác nếu biết nhân rộng.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ