Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gần gũi, động viên những người đã thi hành án xong, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên trong cuộc sống là một trong những công việc mà cán bộ hội phụ nữ các cấp đã làm tốt trong thời gian qua. Nhờ sự chân tình, động viên đó mà nhiều trường hợp quyết tâm làm lại cuộc đời sau những vấp ngã trong cuộc sống…
Cái giá của sự nóng giận
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lý Thị Tòng ở khu phố 2, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một sau gần 5 năm bà “ra tù” như cách nói giản dị nhưng đầy nước mắt của bà. Cũng gần 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hiệp Thành, Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một và bà con khu phố luôn kịp thời động viên, giúp vốn làm ăn để gia đình bà thoát nghèo.
Bà Lý Thị Tòng (giữa) xúc động chia sẻ về những khó khăn với cán bộ phụ nữ phường Hiệp Thành
Bà Lý Thị Tòng nói một câu mà tôi thật sự ấn tượng: “Vô tù rồi mới biết luật pháp! Tôi vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên quá thiệt thòi. Nếu tôi biết sớm hơn thì đâu đến mức như thế…!”. Câu chuyện thường bị ngưng giữa chừng khi bà nhớ lại chuyện… lãng xẹt mà mình bị vướng vào từ năm 2014. Đó là lần bà cùng con dâu đánh một phụ nữ vì tranh nhau chỗ buôn bán. Nội tình câu chuyện cũng khá phức tạp bởi trước đó hai bên đã nhiều lần lời qua tiếng lại vì tranh nhau khách hàng. Bà Lý Thị Tòng cho biết: “Mình chỉ vào can con dâu nhưng rồi bị bắt tạm giam, sau đó lên trại giam An Phước (huyện Phú Giáo)… hết 5 năm vì tội đánh người có tổ chức, gây thương tích… Con dâu tui ở tù 6 năm. Cả hai đều được giảm án hơn một năm và tha tù trước thời hạn. Tôi còn nhớ ngày tôi trở về là mùng 6 tết năm 2019. Từ đó đến nay, gia đình tôi được cán bộ Hội phụ nữ, cán bộ khu phố hỗ trợ rất nhiều”.
Giai đoạn khó khăn nhất là mẹ chồng, con dâu cùng đi tù để lại con trai bà nuôi con nhỏ. Cháu nội của bà khi đó mới 4 tuổi. Nay bà có thêm một đứa cháu 17 tháng tuổi. Nói về gia đình mình hiện tại, bà cho biết như vầy là đã vui lắm rồi. Giờ bà chỉ mong sao có sức khỏe, cùng con trai, con dâu buôn bán kiếm tiền lo cho hai cháu học hành nên người.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Ban Điều hành khu phố 2, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết để giúp những trường hợp từng phạm tội bỏ qua mặc cảm tự ti, biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân, ông thường chủ động thăm hỏi trước từng hoàn cảnh. Với gia đình của bà Tòng cũng vậy, ông hay ghé qua chỗ hai mẹ con bà bán hàng và hỏi thăm tình hình làm ăn. Đến dịp lễ tết, có quà của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm tặng, Ban điều hành khu phố đều dành phần cho gia đình họ. Hiện tại khu phố 2, phường Hiệp Thành có 538 hộ dân thường trú. Ông cùng các cán bộ hòa giải cũng luôn lắng nghe người dân có mâu thuẫn gì là kịp thời can ngăn, hòa giải để giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Hỗ trợ kịp thời
Bà Nguyễn Thị Như Tâm, Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Thành, cho biết về trường hợp của gia đình bà Lý Thị Tòng, sau khi thi hành án tù trở về địa phương được UBND phường quan tâm, giao công an và Hội phụ nữ gặp gỡ, động viên, an ủi, cảm hóa dần dần. “Hồi mới ở trại giam An Phước về, bà Tòng ngại tiếp xúc với hàng xóm và có mặc cảm. Chúng tôi phân công cho chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 tiếp cận dần. Sau đó giúp vốn cho hai mẹ con họ cùng làm ăn, buôn bán nhỏ. Mỗi người được vay vốn 5 triệu đồng không tính lãi, trả dần trong 12 tháng. Trả hết rồi vay lại để có vốn buôn bán. Từ đó, kinh tế gia đình bà Tòng ổn định dần, thoát nghèo và đặc biệt là hòa nhập với cộng đồng, sống chan hòa với mọi người, không còn tự ti, mặc cảm về quãng thời gian phải chấp hành án nữa”. Hiện tại, Hội LHPN phường Hiệp Thành có nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo vay với 156 lượt chị, tổng số tiền 780 triệu đồng. Có 110 chị được hỗ trợ vay từ nguồn vốn ngân hàng chính sách để làm kinh tế gia đình.
Tính trong toàn tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội LHPN cũng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ nhiều nguồn vốn, như: “Đấu nối nước thải hộ gia đình và xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh” cho 109 hội viên, tổng số tiền 810 triệu đồng tại TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An; vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 904 thành viên, số tiền hơn 19,5 tỷ đồng; vốn Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo đã giải ngân cho 164 hội viên vay, số tiền 582 triệu đồng; vốn giúp phụ nữ làm chủ hộ nghèo, cận nghèo, tổ xoay vòng vốn… cũng đến được các chị cần giúp đỡ để vươn lên, không bị vướng vào “tín dụng đen”, không túng thiếu để phải làm chuyện trái pháp luật. Hội cũng đã giới thiệu 267 hội viên nhận may hàng gia công với mức thu nhập trung bình từ 3 - 6,5 triệu đồng/tháng…
Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết Hội LHPN tỉnh có chương trình đón và giúp đỡ những chị sau khi chấp hành án tù trở về địa phương. Theo đó, các cơ sở hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chị sau khi thi hành án để kịp thời giúp đỡ họ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay… phù hợp để có thu nhập ổn định, biết vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị, thành phố nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong nhân dân, trong đó có việc quan tâm đến người sau khi chấp hành án tù và trở về địa phương, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đáng chú ý là Hội LHPN tỉnh củng cố và duy trì hơn 461 mô hình, CLB như “Địa chỉ tin cậy”, “Phụ nữ với pháp luật”… với 3.139 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật và vận động hội viên phụ nữ tham gia các phong trào ở địa phương, hội phụ nữ các cấp đã giúp đỡ 79 người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 66 nữ. |
QUỲNH NHƯ