Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm tổng cộng 0,5 - 2%/năm, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm thuế… nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí, nâng cao khả năng cho vay. Tuy vậy, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương.
- Những nguyên nhân nào dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm, thưa ông?
- Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Bình Dương cũng không ngoại lệ. Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 và những thách thức từ bên ngoài như lạm phát, lãi suất ở mức cao dẫn đến tăng trưởng suy giảm. Những tháng đầu năm 2023 hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, không có hoặc giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình hình đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tiền, trong 6 tháng năm 2023 mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD tại Bình Dương chỉ đạt 3,63% và mức huy động vốn ước đạt 0,21% so với cuối năm 2022.
- Ông đánh giá như thế nào về con số giảm tín dụng này?
- Theo tôi, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cả nước thấp, ở mức 3,58% (đến ngày 20-6-2023) so với cuối năm 2022 và Bình Dương cũng không ngoại lệ như đã chia sẻ ở trên, cầu tín dụng giảm mạnh ở khối doanh nghiệp (DN). Một điều khá quan trọng nữa là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, tập trung nhiều ở nhóm DN vừa và nhỏ, lĩnh vực bất động sản. Và thực tế sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn so với trước, nhất là khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay khiến mức tăng cung tín dụng giảm sút.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa vốn đến tay người vay. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) - chi nhánh Bình Dương
- Thưa ông, khả năng cả năm hệ thống ngân hàng tại Bình Dương có đạt mức tăng trưởng dự kiến 14 - 15%?
- Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN Việt Nam định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tại địa bàn Bình Dương, nhìn lại năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt mức 12,38% và trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 10,08%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước tính chỉ ở mức 3,63% trong 6 tháng đầu năm 2023 và nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Đây sẽ là bài toán khó cho các ngân hàng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến 14 - 15% trong năm 2023.
- Thưa ông, cần làm gì để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và tăng tín dụng như kỳ vọng?
- Thời gian vừa qua NHNN vẫn luôn chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn, đồng thời chủ động triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, DN khi vay vốn, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy vậy, bên cạnh những giải pháp của NHNN, DN, người dân và TCTD cũng cần chung tay để tăng cường khả năng tiếp cận và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Về phía TCTD, cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để bảo đảm an toàn vốn, thực hiện mở rộng tín dụng và phát triển đa dạng hóa sản phẩm; đồng thời, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp. Song song đó, TCTD phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, sản phẩm tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Ngoài ra, các TCTD cần tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Về phía DN, người dân, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính, lịch sử tín dụng, do đó các DN nhanh chóng tháo gỡ khó khăn đầu ra sản phẩm. Đối với nhóm DN vừa và nhỏ, thực tế đang gặp nhiều khó khăn, cần hướng tới việc cải thiện các điều kiện vay vốn. Trong đó, DN cần xây dựng lịch sử tín dụng tốt, hệ thống thông tin tài chính kế toán đáng tin cậy, minh bạch. Lãnh đạo DN cần tập trung nâng cao năng lực, tăng cường mối quan hệ với các TCTD thông qua việc thường xuyên có các giao dịch, sử dụng các dịch vụ, xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương, các DN khác, qua đó nâng cao sự tin tưởng của ngân hàng đối với DN, người dân.
- Xin cảm ơn ông.
THANH HỒNG (thực hiện)