| 27-08-2024 | 08:42:31

Góp ý dự thảo luật việc làm sửa đổi: Tăng cường hỗ trợ cho người lao động

 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Liên quan đến dự thảo này, người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm đến một số điểm mới trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 

Người lao động làm việc tại công ty may ở TP.Thuận An

 Mở rộng đối tượng tham gia BHTN

Trợ cấp thất nghiệp là một khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho những NLĐ không may bị mất việc làm. Với khoản trợ cấp thất nghiệp này, giúp NLĐ ổn định cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Khác với luật hiện hành, dự thảo Luật Việc làm đã bổ sung quy định liên quan đến đối tượng, mức đóng bảo hiểm. Đây được xem là sự linh hoạt trong quá trình đóng BHTN bảo đảm cho các tình huống bất ngờ xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Việc làm và đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân và xã hội từ cuối tháng 3-2024. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi gồm 8 chương, 145 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều), trong đó gồm 11 nội dung lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Lần sửa đổi, bổ sung này tiếp tục kế thừa quy định hiện hành nhưng thiết kế linh hoạt các chế độ.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này cũng đề xuất linh hoạt mức đóng BHTN theo hướng: NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Luật Việc làm năm 2013 quy định đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng cũng như NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thực tế đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Luật Việc làm năm 2013 cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã mở rộng thêm 3 đối tượng tham gia BHTN. Cụ thể, NLĐ có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Băn khoăn điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Những ngày qua NLĐ rất quan tâm đến lĩnh vực trợ cấp thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Nhiều lao động băn khoăn khi dự thảo bổ sung thêm quy định, điều kiện để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể tại khoản 1 Điều 111 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi bổ sung thêm đối tượng không đủ điều kiện hưởng BHTN, gồm: “NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động; NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật”.

Chị Vũ Thị Lệ Hằng, công nhân công ty may đóng trong KCN Nam Tân Uyên, chia sẻ: “Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, có quy định NLĐ bị sa thải có thể không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này chưa phù hợp vì thực tế vẫn có chủ sử dụng lao động tìm cách cho lao động lớn tuổi nghỉ việc để tuyển dụng lao động trẻ năng xuất cao ở một số ngành đặc thù như may mặc”.

 Bà Nguyễn Nhật Uyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Skechers Việt Nam (phường Bình Hòa, TP.Thuận An) mong muốn các cơ quan chuyên môn xem xét lại quy định đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp phải báo trước. “Xét quan hệ lao động, người lao động luôn là bên yếu thế, với quy định này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp dùng nhiều cách thức để ép NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như nâng cao chỉ số đánh giá công việc, trừ lương thưởng nếu không đạt”, bà Nguyễn Nhật Uyên nêu ý kiến.

 KIM HÀ

Chia sẻ