| 29-10-2010 | 00:00:00

Gượng dậy sau lũ!

Chỉ trong vòng hơn một tháng, người dân Quảng Bình phải chống chọi với 3 đợt lũ lớn. Nhà cửa, trâu, bò, lợn, gà... đều bị lũ cuốn đi. Có người may mắn được cứu sống giữa dòng nước lũ là đã rất mừng. Thế nhưng, còn những người hiện đang sống thì chưa biết nay mai lấy gì để sống, làm sao qua được cái đói!

Sông Son cuộn sóng

  Hàng cứu trợ của Bình Dương đến với người dân vùng lũDòng sông Son chảy qua huyện Bố Trạch còn cuồn cuộn phù sa đỏ quạch. Nơi chúng tôi đến là xã Sơn Trạch (H. Bố Trạch), nhìn dòng sông uốn lượn qua những dãy núi, đổ về hướng động Phong Nha và vườn quốc gia Kẻ Bàng ai cũng phải rung động trước cảnh đẹp của sơn thủy hòa quyện. Vậy mà! Một phụ nữ đã ngoài 60 tuổi đứng gần chúng tôi mắt nhìn xa xăm về phía dòng sông, bà nói: “Nhà của mế đã bị cuốn xuống dưới dòng sông đó và còn nhiều người mất tích ở dòng sông này”. Xã Sơn Trạch là địa bàn nằm sát sông Son, dân cư phân bố chủ yếu ở hai bên bờ sông, do địa hình dốc lớn nên khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về, quét đi tất cả những gì trên đường nó đi qua. UBND xã Sơn Trạch cũng bị nước ngập hết tầng trệt, cây bàng ngay cổng UBND xã còn treo những bè rác, cây chuối ở độ cao chừng 4m.

Xã Sơn Trạch có hơn 2.400 hộ dân thì có đến 2.327 hộ dân bị nhấn chìm trong lũ, nơi ngập sâu nhất đến 5m nước, kéo dài gần 1 tuần. Hàng ngàn người dân bị lũ cuốn hoặc bị lũ cô lập. Một cán bộ xã cho biết Sơn Trạch là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Bình vay tiền của dân để khen thưởng những người cứu dân trong lũ dữ. Có người như ông Ngô Văn Tam ở thôn Xuân Sơn đã cứu sống gần 200 người; anh Chàng Văn Ninh - Trưởng thôn Xuân Tiến cứu sống trên 100 người; gia đình ông Lê Viết Hiếu ở thôn Phong Nha, cùng con trai là Lê Văn Hợp và một người nữa đã cứu sống trên 300 người. Bà Trần Thị Hồng (66 tuổi, thôn Trầm, xã Sơn Trạch) ngậm ngùi: “Mế ở bên tê (kia) sông có một mình, nhà sập, có gì trong nhà là nước lũ cuốn đi hết, cái xô đựng nác (nước) cũng không còn. Mế bị nước cuốn ra gần sông may mà họ cứu sống kịp”.

“Chống đói dài hơi”

 Trời nhá nhem tối, chúng tôi vào trung tâm xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đi qua những con đường gập gềnh sỏi đá do lũ cuốn qua còn để lại. Bầu không khí đêm ở xã Dương Thủy còn nặng hơi nước. Theo kinh nghiệm của người dân, hơi nước trong không khí còn nặng sẽ lạnh và sẽ còn mưa và có lũ. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Dương Thị Liễu - một người dân xã Dương Thủy đi nhận hàng cứu trợ cho biết: “Tưởng cơn lũ qua rồi sẽ được yên ổn, ngoài cái thiếu ăn, thiếu mặc đâu ngờ vẫn còn người chết”. Đó là trường hợp của hai nạn nhân - vợ chồng anh Nguyễn Minh Phương và chị Hà Thị Thủy (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy). Sau khi nước lũ rút, hai vợ chồng xấu số đi thuyền thả lưới để bắt cá, một luồng giông gió nổi lên, nhấn chìm hai người xuống nước, để lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ.

Ngày 23-10, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết toàn tỉnh đã có 64 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trước mắt sẽ phải ổn định đời sống của người dân, không để ai phải đói, tuy nhiên về lâu dài tỉnh sẽ phải chuẩn bị “chống đói dài hơi”. Trong đợt lũ vừa qua nhiều hoa màu, lúa, gia súc, gia cầm... của người dân bị cuốn trôi, nếu để khôi phục sản xuất và khi có thu hoạch cũng phải mất ít nhất 3 tháng. Có thể đây là 3 tháng khó khăn nhất của người dân khi họ vừa gượng dậy sau lũ.

Lo đợt lũ mới

Xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch) trong 3 đợt lũ vừa qua đã có 5 người chết và 2 người mất tích. Hôm chúng tôi đến, tại xã Liên Trạch còn bề bộn công việc khắc phục hậu quả sau lũ. Giấy tờ, sổ sách bị ướt, dính bùn còn chất đống trong UBND xã. Ông Đinh Xuân Đàn - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết đây là đợt ngập lụt lần thứ 3 trong tháng, đường giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng, lúa và hoa màu gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Trước sân UBND xã, rất nhiều người dân đã tập trung ở đây để chờ nhận hàng cứu trợ. Mặc dù nước lũ đã rút được 3 ngày nhưng trên gương mặt của họ vẫn còn uể oải, hốc hác. Ông Đinh Xuân Đàn cho biết khi nước rút rồi thì người dân bắt đầu ra đồng cày ruộng, một số người ở nhà dọn dẹp để ổn định cuộc sống.

Liên tục trong những ngày qua thông tin về đợt mưa to, lũ lớn có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Người dân xã Liên Trạch mới vừa gượng dậy sau 3 đợt lũ và khẩn trương lo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống lại vô cùng lo lắng. Ông Hoàng Trọng Thể - Chủ tịch UBND xã Liên Trạch cho biết: “Hiện tại nhiều gia đình còn chưa khắc phục được nhà cửa bị ảnh hưởng nặng ở những cơn lũ trước. Nếu có lũ mới chồng lên thì hàng cứu trợ, gạo, nhu yếu phẩm cũng khó mà giữ được”. Đúng là đáng lo thật!

Bình Dương đã ủng hộ các tỉnh miền Trung gần 4 tỷ đồng

Đoàn cứu trợ của tỉnh Bình Dương vừa hoàn thành công tác cứu trợ đợt 1 tại các tỉnh miền Trung. Đoàn đã đi tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và ủng hộ bằng tiền mặt cho Ủy ban MTTQVN các tỉnh để phân bổ cho người dân khắc phục hậu quả sau lũ. Trong đợt này, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã ủng hộ số tiền và quà rất có giá trị như: Công ty Bexamex IDC ủng hộ quà, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh với tổng trị giá 1 tỷ 300 triệu đồng. Công ty TNHH MTV Thương mại XNK Thanh Lễ tổng trị giá trên 400 triệu đồng... Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chuyển số tiền 2 tỷ đồng đến các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An. Hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh vẫn đang tiếp tục quyên góp, ủng hộ và tổ chức Đoàn ra thăm và tặng quà cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Ngày 27-10, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã phân bổ số tiền của các địa phương, doanh nghiệp ủng hộ đồng bào bị bão lụt trong tỉnh, trong đó có 1 tỷ đồng do nhân dân và các doanh nghiệp Bình Dương ủng hộ đến các huyện nhằm góp phần giúp nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

 

ĐỖ TRƯỜNG

Chia sẻ