| 02-06-2015 | 07:55:41

Gương sáng trong công nhân lao động

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, những năm qua, tại các công đoàn cơ sở xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, sáng tạo. Trong đó, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tặng bằng khen. Những gương CNLĐ báo Bình Dương nêu dưới đây đã đạt một trong những thành tích đó.

 Mai Phước Thiện: Kiến thức và trách nhiệm

 Với anh Mai Phước Thiện (SN 1975), Tổ trưởng bảo trì của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phong Thạnh (TX.Dĩ An), đưa ra sáng kiến không chỉ nhờ kiến thức mà còn trách nhiệm với công việc. Anh Thiện đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, trở thành “cây sáng kiến” của công ty và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Anh Thiện vào làm tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phong Thạnh từ năm 2011. Với chủ trương tiết kiệm điện của công ty, là một nhân viên bảo trì, anh nhận thức được việc cải tiến công nghệ máy móc sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí trong sản xuất. Sau thời gian khảo sát thực tế và nghiên cứu, anh đã đưa ra một số giải pháp có thể tiết kiệm được điện năng.

Sáng kiến đầu tiên là gắn biến tần cho 7 mô tơ bơm thủy lực 7,5kW để lưu hóa bánh xe cao su. Theo đó, 1 mô tơ bơm thủy lực điều khiển 3 máy lưu hóa, thời gian lưu hóa bánh xe 1 lần là 17 phút, trong khi đó mô tơ chỉ hoạt động 7 phút để bơm thủy lực, còn lại 10 phút thì mô tơ vẫn hoạt động nhưng không bơm nhớt vào máy lưu hóa. Vì vậy, anh gắn biến tần để khi máy lưu hóa không cần bơm nhớt vào thì mô tơ sẽ chạy ở tần số thấp. Khi đó mô tơ chỉ quay khoảng 10 vòng/phút và khi nhấn nút để bơm máy lưu hóa mô tơ sẽ tự tăng tốc đạt đến tần số 50 khoảng 1.400 vòng/phút. Như vậy, 1 lần lưu hóa 17 phút sẽ tiết kiệm được 10 phút sử dụng điện năng. Số điện tiết kiệm được trong 1 năm khoảng 72.072kWh. Số tiền tiết kiệm được 94 triệu đồng/năm.

Sáng kiến thứ 2, thay mô tơ bơm nước cho tháp giải nhiệt từ 7,5Hp xuống 3Hp. Theo như đo đếm thực tế khi thay 2 máy bơm cho tháp giải nhiệt công suất 3Hp thì 1 giờ tiết kiệm được 2,5kWh điện năng. Vậy, số điện năng tiết kiệm được trong 1 năm cho 7 mô tơ là 17.160kWh, tương ứng số tiền 22 triệu đồng. Anh tiếp tục đưa sáng kiến thứ 3, theo khảo sát máy cán cao su có công suất 125Hp thời gian máy làm việc để cán cao su là 50%, còn 50% mô tơ vẫn chạy nhưng phải chờ đủ keo. Sau khi gắn biến tần thời gian máy làm việc để cán cao su 50% ở tần số bình thường, tốc độ mô tơ 960 vòng/phút còn 50% máy chờ mô tơ chạy tần số thấp nhất khoảng 10 vòng/phút. Theo như đo đếm thực tế mô tơ 125HP chạy không cán cao su mỗi giờ là 30kWh. Sau khi gắn biến tần thì 1 giờ mô tơ chạy không cán cao su tiết kiệm được 15kWh. Số điện tiết kiệm được trong 1 năm là 74.880kWh, với khoảng 100 triệu đồng.

9 năm làm việc tại công ty, anh Thiện đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh năm 2012; giấy chứng nhận của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2013; năm 2013-2014 được giấy khen của UBND TX.Dĩ An. Hiện nay, anh đang chờ nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Thị Hà: Lao động là vinh quang

 Xuất thân trong một gia đình khó khăn, chị Trần Thị Hà tạm gác ước mơ “chinh phục” tri thức để làm CN phụ giúp ba mẹ. Đến Bình Dương mưu sinh, chị xin vào làm việc tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX. Thuận An). Sau khi được công ty đào tạo nghề, chị được phân công đứng máy tại phân xưởng đế giày. Chị cũng đã phát huy khả năng sáng tạo của mình khi đưa ra sáng kiến cải thiện lưu trình quét keo giảm thời gian và tăng năng suất sản lượng. Nghiên cứu sử dụng máy mài logo giúp CN thao tác để đạt chất lượng và sản lượng tốt hơn. Do đó, xưởng đế giày đã nhận được giấy khen của công ty về việc quản lý đơn vị sản lượng và chất lượng; riêng chị nhận được giấy khen của công ty vì có nhiều đề án cải thiện giúp đơn vị nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không chỉ lao động giỏi, chị còn là một công đoàn viên năng nổ và có nhiều đóng góp cho hoạt động công đoàn công ty. Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng đánh giá: “Trên lĩnh vực nào, chị Hà cũng thể hiện sự đam mê, nhiệt tình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chị thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình cho các CN mới vào làm việc và là một công nhân tiêu biểu, điển hình của công ty”.

Hồ Anh Duy: “Cây sáng kiến” của công ty

 Đến với Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần I, TX.Dĩ An) mọi người truyền tai nhau câu chuyện về “cây sáng kiến” của công ty. Đó là anh Hồ Anh Duy, anh được Ban Giám đốc đánh giá cao năng lực công tác khi đưa ra trên 30 sáng kiến hữu ích.

Hồ Anh Duy (SN 1986), quê Bình Dương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Duy vào làm ở Phòng giám sát kỹ thuật Công ty Scancom. Với công việc được giao, Duy không chấp nhận “an phận” mà nỗ lực đưa ra những sáng kiến nhằm cải tiến kỹ thuật. Duy bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời hơn 30 đề tài sáng kiến được thử nghiệm và áp dụng vào sản xuất. Những sáng kiến đó gồm: Máy taro ren tự động, máy chèn đột lỗ chặt ngàm tự động, dưỡng hàn robot dịch chỉnh, thay đổi vật liệu khuôn, phương pháp ép chống bể lỗ… góp phần giảm từ 5 - 7 nhân công tại mỗi chuyền sản xuất, đem lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Lê Hạnh, Chủ tịch Công đoàn công ty nói: “Để CNLĐ có điều kiện sáng tạo, góp phần làm lợi cho công ty, chúng tôi đã phát động Ngày hội cải tiến của công ty. Công ty đã chọn ngày 1-7 hàng năm là Ngày hội cải tiến. Đối với anh Hồ Anh Duy trong thời gian qua đã có nhiều sáng kiến hữu ích. Duy là tấm gương để mọi người học tập, noi theo tinh thần ham làm, ham học hỏi, nhiệt tình và hòa đồng với mọi người xung quanh”.

Nỗ lực của Duy “đơm hoa kết quả” khi anh liên tục được nhận giấy khen từ Ban Giám đốc công ty; giấy chứng nhận cải tiến mùa sản xuất năm 2013, 2014; bằng khen của UBND tỉnh năm 2014 và chuẩn bị nhận bằng khen của LĐLĐ tỉnh đã có nhiều đóng góp sáng tạo cho doanh nghiệp trong 5 năm (2010-2014).

Nguyễn Thị Nhung: Một tổ trưởng nhiệt tình

 Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện đó là cảm nhận đầu tiên của mọi người khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1981), Công ty TNHH Giày Thông Dụng. Còn trong lao động sản xuất, chị luôn là người cần mẫn, chịu khó tìm tòi học hỏi và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hay áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất được lãnh đạo và đồng nghiệp tin tưởng, quý mến.

Xuất phát điểm là CN tổ may, chỉ sau 1 năm với nỗ lực cố gắng, chị đã được Ban Giám đốc chọn làm Tổ trưởng Tổ may 12. Mặc dù không có bằng cấp, nhưng với kinh nghiệm trong nghề, sự say mê sáng tạo chị đã đưa ra sáng kiến giúp CN trong tổ làm việc hiệu quả.

Trước đây, mỗi chuyền may công ty sắp xếp, khi người trước may xong phải có người chuyên làm công việc chuyển hàng xuống cho người kế tiếp may. Thấy làm như vậy mất thời gian, mỗi chuyền may phải thê 2 người mà công việc thường xuyên không kịp tiến độ, lại tốn nhiều người. Với vai trò cán bộ phụ trách chị đã góp ý với xưởng trưởng cải tiến chuyền may. Theo đó, phía giữ chuyền may thiết kế một máng bằng inox để người may phía trước may xong thì chỉ việc bỏ hàng lên máng và đẩy xuống cho người kế tiếp. Cách làm như vậy giảm bớt được 2 người/chuyền mà tiến độ sản xuất nhanh hơn, chất lượng sản phẩm bảo đảm. Ước tính hàng năm tiết kiệm cho công ty khoảng 100 triệu đồng.

 T.LÝ    

Chia sẻ