| 15-03-2024 | 07:07:25

Hàng loạt dấu hiệu phục hồi tích cực từ thị trường bất động sản

Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố dữ liệu báo cáo tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, trong đó, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về thu hút vốn đầu tư, số doanh nghiệp BĐS quay trở lại thị trường, gia tăng giao dịch các sản phẩm BĐS.

Thị trường đón nhận thông tin tích cực

Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 22.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 218.700 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154.300 lao động, tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 


Đất nền đang được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm mua.

Về tình hình kinh doanh BĐS, cả nước có 552 doanh nghiệp BĐS thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp BĐS quay trở lại thị trường hoạt động là 843 doanh nghiệp, bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, với sự chỉ đạo quyết liệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt ngay sau Tết Nguyên đán, nhất là các dự án chuyển tiếp từ năm 2023. 

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đến đầu tháng 3/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%; các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm 3,9%. 

Riêng về tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 25 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS đạt 5,4 triệu USD, chiếm 21,5%; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD, chiếm 20%.

Ở góc độ chính sách, các bộ, ngành liên quan đang tích cực xây dựng, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để sớm thực thi các bộ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai sửa đổi, trực tiếp liên quan tới thị trường BĐS, nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn thị trường đang vướng mắc. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo, giải quyết được 419/712 dự án vướng mắc tại Hà Nội, 67/180 dự án vướng mắc tại TP Hồ Chí Minh, chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng, định giá đất, thủ tục giao đất…

Đáng chú ý, đối với Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã có 495 dự án, với quy mô gần 403.000 căn, nếu kịp hoàn thành đúng tiến độ, sẽ cơ bản đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ như mục tiêu đặt ra, góp phần trực tiếp tái cơ cấu thị trường BĐS theo hướng cân đối, phù hợp hơn.

Bất động sản tăng tốc, nhiều phân khúc “lên ngôi”

Các chuyên gia BĐS nhận định, thị trường đã dần bước qua thời kỳ trầm lắng, bắt đầu chu kỳ mới với những chỉ số tích cực. Trong đó, phân khúc đất nền với ưu điểm về suất đầu tư hợp lý, giá trị sử dụng cao được đánh giá là kênh đầu tư hiệu quả tại thời điểm này. 

Đáng chú ý, phân khúc chung cư từ đầu năm đến nay đang ghi nhận lượng quan tâm lớn mặc dù mức giá đã thiết lập ở mức cao. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội có xu hướng tăng giá nhiều hơn TP Hồ Chí Minh. So với đầu năm 2023, mức độ tăng giá căn hộ Hà Nội hiện đã tăng khoảng 15%. Lý do chính là nguồn cung khan hiếm, sản phẩm mới bán ra thị trường thấp, kéo mặt bằng giá chung tăng lên. Còn theo dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng khoảng 38 điểm phần trăm so với năm 2019. 

Theo số liệu từ batdongsan.com.vn (Kênh thông tin dịch vụ BĐS số 1 Việt Nam), trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ người tìm kiếm nhà đất trên cả nước tăng 66% so với cùng thời kỳ năm trước. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương dẫn đầu về lượng người tìm mua BĐS, tập trung chủ yếu vào phần khúc chung cư với tỷ lệ lần lượt là 71% và 59%. Phân khúc thấp tầng, đất nền cũng ghi nhận lượng tìm kiếm tăng cao, tương ứng tăng 110% và 77% so với cùng kỳ...

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS đã và đang ghi nhận sự quan tâm lớn của khách hàng. Báo cáo và chỉ số về tâm lý người tiêu dùng BĐS của batdongsan.com.vn chỉ ra: 65% người tham gia khảo sát nhu cầu có dự định mua BĐS làm kênh đầu tư trong năm 2024 và đất nền là phân khúc sản phẩm được người mua quan tâm nhiều nhất. Các dấu hiệu tích cực này đặt ra kỳ vọng phục hồi nhanh của thị trường trong năm 2024.

Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ứng phó và tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết định các giải pháp điều hành thị trường BĐS, đáp ứng mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.

“Với việc tập trung, trách nhiệm, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nguồn cung và thị trường BĐS sẽ có chuyển biến, phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tại hội nghị triển khai đề án nhà ở xã hội mới đây của Bộ Xây dựng.

Theo TTXVN

Chia sẻ