| 20-08-2014 | 09:41:11

Hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Gần đây dư luận xôn xao vụ bảo mẫu của chùa Bồ Đề (Hà Nội) mua bán trẻ em và cơ quan chức năng đã đề nghị khởi tố các đối tượng này về hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ. Như thế nào gọi là hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em và hình phạt của tội này là thế nào?

ĐOÀN CÔNG MINH (Tân Bình, TX.Dĩ An)

Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 BLHS. Tội phạm này xâm phạm tự do thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Tội phạm này được thực hiện do cố ý và được thể hiện ở ba loại hành vi phạm tội khác nhau:

- Hành vi mua bán trẻ em được hiểu là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ em như một thứ hàng hóa.

- Hành vi đánh tráo trẻ em được hiểu là hành vi dùng mánh khóe gian lận để thay thế đứa trẻ này với đứa trẻ khác mà bố mẹ của một hoặc của cả hai đứa trẻ không biết.

- Hành vi chiếm đoạt trẻ em được hiểu là hành vi chiếm đoạt trái phép đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp bằng các thủ đoạn khác nhau như lén lút, lừa dối, dùng vũ lực…

Đối tượng của các hành vi nói trên là trẻ em, tức là người chưa đủ 16 tuổi.

Điều 120 quy định như sau: Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đê hèn; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; để đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ