| 30-03-2016 | 08:44:17

HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ: HĐND tỉnh Sông Bé khóa II (1981 -1985)

Bài 2: HĐND tỉnh Sông Bé khóa II (1981 -1985): Thông qua nhiều chính sách quan trọng

Rút kinh nghiệm từ hoạt động HĐND tỉnh Sông Bé khóa I, bước sang khóa II, bộ máy HĐND tỉnh hoạt động hiệu quả hơn, chế độ sinh hoạt được giữ vững, đúng kỳ. Đặc biệt, tại khóa II, HĐND tỉnh Sông Bé đã thông qua nhiều chính sách quan trọng về kinh tế - xã hội.

Năm 1981, tỉnh Sông Bé bước vào kế hoạch 5 năm trong bối cảnh tình hình thuận lợi và khó khăn chung của đất nước. Tuy vậy, trong tỉnh đã xuất hiện những nhân tố mới, tích cực, đáng phấn khởi. Cụ thể, trong nông nghiệp, chính sách khoán sản phẩm, chính sách phân phối lao động, chính sách thu mua mới, chính sách giá cả... đã tạo nên một khí thế mới. Trong công nghiệp, trên cơ sở thi hành các quyết định của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch 3 phần, lương sản phẩm, tiền thưởng... cũng động viên được sự phấn khởi trong quần chúng công nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện hàng loạt khó khăn chồng chất. 5 năm qua, sản xuất của cả nước phát triển chậm, thu nhập quốc dân hàng năm không đủ tiêu dùng; hàng hóa cung cấp cho nhân dân và cán bộ công nhân viên chức rất thiếu; tài chính không ổn định; lạm phát tiền tệ liên tục, giá cả trên thị trường tự do không ngừng tăng lên, có lúc tăng đột biến… Tất cả những điều đó tác động lớn đến đời sống người dân trong tỉnh. Một khó khăn nữa cũng rất bức thiết, đó là vấn đề tích lũy và khả năng tái sản xuất mở rộng; chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Trong khi đó, muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, muốn thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ như trong giai đoạn này thì phải có tích lũy, phải tái sản xuất mở rộng.

Bản kiểm điểm của HĐND tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985. Ảnh: T.THẢO

Trong tình hình chung đó, hoạt động của HĐND tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ này là một quá trình phấn đấu trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, để đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển. Cụ thể, hoạt động của HĐND tỉnh đã bảo đảm tốt chế độ sinh hoạt theo luật định với 11 kỳ họp. Trong đó có 4 kỳ họp đầu năm quyết định nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách hàng năm; 4 kỳ họp giữa năm để xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách, quyết toán ngân sách năm trước và 3 kỳ họp chuyên đề. Theo đánh giá, mỗi kỳ họp đều yêu cầu nội dung cụ thể tiến hành theo đúng thủ tục, nguyên tắc quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND. Chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Nhờ chế độ sinh hoạt được giữ vững đúng kỳ và tại mỗi kỳ họp, trí tuệ của đại biểu HĐND được phát huy trong việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, đã mang lại ý nghĩa thiết thực cho địa phương. Mối quan hệ giữa HĐND với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các cơ quan luật pháp ngày càng chặt chẽ đã động viên, thuyết phục được nhân dân trong tỉnh ra sức thực hiện có kết quả các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trong nhiệm kỳ 1981-1985, về mặt kinh tế, HĐND tỉnh đã xác định được công tác kế hoạch và ngân sách Nhà nước ở địa phương là công tác thường xuyên; xác định trách nhiệm quyết định kế hoạch và ngân sách của địa phương; phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch và quyết toán ngân sách hàng năm. Các quyết định về các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách hàng năm đều được nghiên cứu kỹ, được nhất trí phê chuẩn, đã trở thành mục tiêu hành động của các cấp, các ngành và động viên được nhân dân trong tỉnh ra sức thực hiện có kết quả theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Với những kết quả đạt được trên mặt trận kinh tế đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Văn hóa - xã hội đã dần dần được cải thiện. Các mặt giáo dục, văn hóa, văn nghệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân... được quan tâm nhiều hơn. Về an ninh và quốc phòng cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện các mặt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng, đặc biệt là qua các đợt củng cố và xây dựng lực lượng công an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ và chính sách địa phương đối với các lực lượng vũ trang nhân dân. Chất lượng hoạt động của các hoạt động vũ trang từng bước được nâng lên. Các đợt vận động thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ Tổ quốc được phát động tốt. Về mặt pháp chế đã phổ biến sâu rộng, cụ thể Luật Tổ chức HĐND và UBND mới và các quy định, thông tư hướng dẫn có liên quan thông qua hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND tỉnh Sông Bé trong nhiệm kỳ này còn bộc lộ nhiều thiếu sót, tồn tại. Chẳng hạn, các ban của HĐND tuy được chấn chỉnh và thành lập thêm một số ban nhưng do còn mới và chưa có kinh nghiệm hoạt động nên chưa làm tốt, làm đúng chức năng của ban. Công tác dân nguyện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân khi tiếp xúc với cử tri chưa được quan tâm giải quyết đúng mức. Chế độ tiếp xúc với cử tri để báo cáo sự hoạt động của đại biểu HĐND và các kỳ họp của HĐND trước cử tri và việc thu thập, lắng nghe ý kiến của quần chúng cũng còn bộc lộ hạn chế…

Tuy nhiên, nhìn chung suốt quá trình hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 1981-1985 đã có sự tiến bộ nhất định. HĐND tỉnh đã phát huy được chức năng và nhiệm vụ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên. Căn cứ vào pháp luật, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn, HĐND tỉnh Sông Bé đã quyết định và bảo đảm thực hiện các chủ trương, biện pháp pháp huy tiềm năng của địa phương, xây dựng về các mặt chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh, góp phần cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và làm nghĩa vụ của địa phương đối với đất nước. q

Thực hiện quyền làm chủ tập thể đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua, ngày 26-4-1981 nhân dân trong tỉnh đã phấn khởi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII và HĐND tỉnh khóa II. Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, nhân dân trong tỉnh đã lựa chọn bầu ra 6 đại biểu Quốc hội và 78 đại biểu HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh Sông Bé khóa II có 5 ban chuyên trách gồm: Ban Kinh tế - Kế hoạch và Ngân sách; Ban Văn hóa - Xã hội và Đời sống; Ban Pháp chế; Ban Dân tộc; Ban Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng.

 

 THU THẢO (tổng hợp)

 

Chia sẻ
Tags
HĐND